Chiến sự Nga - Ukraine mới nhất: G7 đồng ý tách Nga khỏi các nguồn tài chính toàn cầu; LHQ kêu gọi khẩn
Tuấn Anh (tổng hợp)
Thứ bảy, ngày 12/03/2022 08:19 AM (GMT+7)
Trong lúc chiến sự Nga-Ukraine ngày càng dữ dội, các nước G7 đã đồng ý tước quyền tiếp cận của Nga với các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới, như một đòn đánh mạnh trút xuống nền kinh tế Nga.
LHQ nhấn mạnh nhu cầu 'khẩn cấp' về các cuộc đàm phán để ngăn chặn chiến tranh
Người đứng đầu các vấn đề chính trị của LHQ Rosemary DiCarlo đã nói với Hội đồng Bảo an LHQ, kêu gọi Nga và Ukraine xây dựng các cuộc tiếp xúc như cuộc gặp giữa các ngoại trưởng của hai nước ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/3 vừa qua.
"Chúng tôi kêu gọi tăng cường những nỗ lực như vậy, bao gồm cả việc đảm bảo hơn nữa các thỏa thuận nhân đạo và ngừng bắn như một vấn đề ưu tiên," DiCarlo nói. "Logic của đối thoại và ngoại giao phải chiếm ưu thế hơn logic của chiến tranh".
Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ quán ở Kiev
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán đại sứ quán của mình ở Kyiv.
Tanju Bilgic cho biết các nhân viên tại phái bộ sẽ di chuyển đến Chernivtsi gần biên giới Romania vì lý do an ninh, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin.
LHQ không biết về bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào ở Ukraine
"Liên Hợp Quốc không biết về bất kỳ "chương trình vũ khí sinh học" nào ở Ukraine", Izumi Nakamitsu - người đứng đầu chương trình giải giáp vũ khí của LHQ nói tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 11/3, nhưng cảnh báo rằng khả năng xảy ra tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đang "tăng lên từng ngày".
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Nga yêu cầu, để thảo luận về các tuyên bố của Moscow, được đưa ra cáo buộc Mỹ có các hoạt động sinh học ở Ukraine, Izumi Nakamitsu cho biết các tình huống như cuộc chiến ở Ukraine đòi hỏi phải tăng cường lệnh cấm quốc tế đối với vũ khí sinh học.
Nhà máy Chernobyl vẫn không có nguồn điện bên ngoài
Cơ quan Thanh tra Quản lý Hạt nhân Nhà nước của Ukraine cho biết nguồn cung cấp điện cho nhà máy hạt nhân Chernobyl bị phá hủy vẫn chưa được khôi phục, mặc dù Bộ năng lượng Nga tuyên bố rằng các chuyên gia Belarus đã khắc phục sự cố.
Ukraine cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ ngày càng tăng tại nhà máy, nơi từng xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986, sau khi một đường cáp điện cao thế bị đứt trong cuộc giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và Nga và nguồn cung cấp điện bên ngoài bị cắt.
Khi nguồn điện bên ngoài bị cắt, một máy phát điện diesel khẩn cấp sẽ hoạt động. Cơ quan thanh tra cho biết nỗ lực khôi phục nguồn cung cấp điện bên ngoài tại địa điểm nằm gần biên giới của Ukraine với Belarus và hiện đang bị lực lượng Nga chiếm đóng, đang "được tiến hành".
Biden nói Mỹ và các đồng minh sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga
Tổng thống Joe Biden cho biết các nước G7 sẽ thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc của Nga, đồng thời công bố lệnh cấm vận đối với hải sản, rượu và kim cương của Nga. Hàng hóa Nga sẽ bị áp thuế nhiều hơn. "Mỹ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế đối với Putin và cô lập Nga hơn nữa trên toàn cầu", Tổng thống Mỹ Biden nói tại Nhà Trắng khi thông báo về động thái sẽ được thực hiện cùng với các đồng minh NATO, G7 và Liên minh Châu Âu.
Mỗi quốc gia phải thực hiện việc thay đổi trạng thái thương mại của Nga dựa trên các quy trình quốc gia của riêng mình. Tại Mỹ, quy chế tối huệ quốc có tên là "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn". Các thành viên lưỡng đảng đều tỏ ra ủng hộ việc bỏ quy chế này. Ông Biden nói động thái sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế Nga trong khi nước này tiếp tục chiến sự ở Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng gọi Tổng thống Nga Putin là "kẻ gây hấn" và ông Putin sẽ phải "trả giá".
Vòng trừng phạt thứ tư sắp tới: EU
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một vòng trừng phạt thứ tư đối với Nga. "EU sẽ đưa ra gói trừng phạt thứ tư", von der Leyen cho biết trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo EU ở Versailles.
Ukraine nói máy bay Nga bắn vào Belarus từ không phận Ukraine
Lực lượng không quân Ukraine cáo buộc máy bay Nga đã bắn vào một khu định cư của Belarus gần biên giới với Ukraine từ không phận Ukraine để cố gắng kéo Minsk vào cuộc chiến. Phía Nga chưa phản hồi về cáo buộc một chiều này.
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã không đạt được tiến bộ nào ở Ukraine trong 24 giờ qua. "Đối thủ của chúng tôi trên thực tế đã bị chặn lại ở mọi hướng bởi các cuộc không kích, tên lửa và mặt đất", Arestovych nói trong một cuộc họp báo. Ông nói thêm, các lực lượng vũ trang của Ukraine đã tổ chức các cuộc phản công gần Kyiv và Kharkiv.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết ông tin rằng còn gần hai triệu người vẫn còn ở thủ đô Ukraine. Ông Klitschko nói với hãng tin Reuters rằng thành phố, thường là nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu người, có đủ nguồn cung cấp thiết yếu để tồn tại trong vài tuần và các đường cung cấp vẫn mở cho đến nay.
Anh trai của ông, Wladimir, người cũng đang nói chuyện với Reuters trong một cuộc phỏng vấn chung, nói thêm rằng một số người đã chạy khỏi Kiev sau khi Moscow phát động cuộc tấn công hiện đang quay trở lại tham gia bảo vệ thành phố khi lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn có thể xảy ra của lực lượng Nga.
Cảnh báo Nga có thể bao vây Odesa từ ba phía
Thị trưởng Odessa đã cảnh báo các lực lượng Nga có thể sớm bao vây thành phố cảng Ukraine, nằm ở phía tây nam của đất nước, trên ba mặt trận. Gennadiy Trukhanov gợi ý các lực lượng của Moscow sẽ tìm cách tiến quân từ các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng trong khu vực Mykolaiv của Ukraine tới khu vực Transdniestria do phe ly khai kiểm soát, nơi đóng quân của Nga.
Một động thái như vậy có thể cắt Odessa, nằm trên Biển Đen, khỏi phần còn lại của Ukraine. "Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng trong khi điều này đang diễn ra, các tàu đổ bộ của Nga có thể bao vây chúng tôi từ biển", ông Trukhanov nói thêm.
LHQ cho biết 564 thường dân thiệt mạng ở Ukraine
Văn phòng nhân quyền của LHQ (OHCHR) đã xác nhận cái chết của 564 thường dân ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có 41 trẻ em.
OHCHR cho biết thêm, con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể vì nó vẫn chưa thể chứng thực các báo cáo từ các khu vực đang diễn ra giao tranh dữ dội.
Nga chuyển hơn 1.670 tấn viện trợ nhân đạo sang Ukraine
Nga đã chuyển 1.671 tấn hàng viện trợ nhân đạo sang Ukraina, tổng cộng 16.500 tấn hàng hóa nhân đạo đã được thu gom, đại tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia của Liên bang Nga, cho biết tại cuộc họp báo vào ngày 11/3.
"Hơn 16,5 nghìn tấn mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và thuốc men, đã được thu gom tại các điểm tiếp nhận. 1.671 tấn hàng nhân đạo đã được chuyển đến Ukraine, 212 hành động nhân đạo đã được thực hiện, trong đó có 26 diễn ra ở vùng Chernihiv. Trong ngày qua, cũng như tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, trong đó 250 tấn nhu yếu phẩm, bao gồm cả thuốc men và thực phẩm, đã được chuyển giao cho dân thường của các vùng được giải phóng", ông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.