Chiến sự Ukraine: Liệu có bước ngoặt sau 200 ngày ?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 15/09/2022 09:14 AM (GMT+7)
Cái mốc 200 ngày chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine rơi vào bối cảnh tình hình phía Ukraine dường như giành về được nhiều thắng lợi trên chiến trường hơn Nga.
Bình luận 0
Chiến sự Ukraine: Liệu có bước ngoặt sau 200 ngày ? - Ảnh 1.

Tấn công gay tháo lui của bên này hay bên kia đều vừa có thể phản ánh thực lực nhưng lại vừa có thể là bước đi sách lược.

 Phía Ukraine tuyên cáo trong thời gian phản công ngắn thu hồi được hơn 6000 km2 lãnh thổ mà Nga đã đánh chiếm. Phía Nga đã xác nhận lui binh ở vùng Kharkov.

Một vài thành phố nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược về quân sự ở phía nam Ukraine có vẻ như lại thuộc quyền kiểm soát của Ukraine. Ukraine và khối các nước Phương Tây hậu thuẫn Ukraine về chính trị, quân sự và tài chính để chiến tranh với Nga tung hô kết quả này và đề cập đến bước ngoăt xoay chuyển tình thế trên chiến trường có lợi cho Ukraine và bất lợi cho Nga. Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên cáo rằng Nga chưa mất gì ở Ukraine.

Bên ngoài rất khó có thể kiểm định được thực tế như thế nào ở Ukraine hiện tại. Tấn công gay tháo lui của bên này hay bên kia đều vừa có thể phản ánh thực lực nhưng lại vừa có thể là bước đi sách lược. Đối với Ucraine và các đối tác ủng hộ Ukraine, cục diện chiến tranh ở Ukraine sau 200 ngày chiến sự chắc chắn được nhìn nhận là kết quả với ý nghĩa chính trị, tâm lý và quân sự chiến lược rất quan trọng.

Phe này coi đấy là bằng chứng của khả năng quân sự thực tế của Ukraine có thể chủ động tấn công Nga và đẩy lùi quân đội Nga trên chiến trường. Họ thêm vững tin rằng có thể thắng Nga hoặc ít nhất thì cũng sẽ không thua Nga trong cuộc chiến tranh này.

Hệ luỵ trực tiếp sẽ là Ukraine thêm quyết tâm chiến tranh với Nga và những đối tác ủng hộ Ukraine thêm quyết tâm hậu thuẫn Ukraine về chính trị, quân sự và tài chính để chiến tranh với Nga ở Ukraine.

Đối với Nga, cục diện tình hình chiến sự sau 200 ngày giao tranh quân sự với Ukraine ở Ukraine chắc chắn không được như phía Nga mong đợi, thậm chí lại còn vô cùng tai hại về mọi phương diện khi từ thế chủ động tấn công bị dồn ép vào tình thế bị động phòng thủ, thậm chí còn phải rút lui.

Hệ luỵ trực tiếp sẽ là Nga buộc phải điều chỉnh cả chiến lược lẫn sách lược ở Ukraine để cứu vãn và xoay chuyển tình thế, chặn đà phản công của Ukraine và tiếp tục nỗ lực để đạt những mục tiêu đã đề ra với cuộc chiến tranh ở Ukraine. Cục diện tình hình chiến sự mới này đẩy Nga vào tình thế phải gia tăng hoạt động quân sự chứ không giảm bớt ở Ukraine. Phía bên kia muộn thuận đà tạo bước ngoặt chiến lược trên chiến trường thì Nga phải ngăn chặn kịch bản ấy bằng mọi giá.

Cho dù những diễn biến mới nói trên có đáng được chú ý đến mấy thì hiện vẫn còn quá sớm để cho rằng gió đã xoay chiều đối với Nga và Ukraine trong cuôc chiến hiện tại ở Ukraine. Bước ngoặt đã xuất hiện hay không sau 200 ngày chiến sự ở Ukraine là câu hỏi chưa thể được trả lời rõ ràng bởi không phải quân đội Ukraine quyết định mà vũ khí của phe ủng hộ Ucraine và ứng phó quân sự tới đây của Nga quyết định. Nga và Ukraine giao tranh vũ trang trực tiếp với nhau trên thực địa ở Ukraine nhưng quyết định kết cục cuối cùng của cuộc chiến tranh này lại là chuyện giữa Nga với các đối tác bên ngoài đang hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá về chính trị, quân sự và tài chính.

Sau 200 ngày chiến sự ở Ukraine, cả hai phe đều vẫn quyết tâm thắng và không để bị thua cũng như bên nào cũng đều vẫn tin rằng phe mình có thể thắng. Vì thế, chiến sự sẽ vẫn còn tiếp tục dai dẳng và quyết liệt. Chắc chắn cả hai phía hiện đều đã nhận ra rằng bên này không thể thắng được bên kia về quân sự mà rồi đến thời điểm nào đấy trong tương lai sẽ phải đi vào giải pháp chính trị hoà bình với nhau. Sau 200 ngày chiến sự, triển vọng cho giải pháp chính trị hoà bình ấy vẫn rất mịt mờ bởi cả hai bên đều chưa giành về được lợi thế và ưu thế họ muốn có trên chính trường để đi vào đàm phán hoà bình với thế mạnh hơn.

Nga không thể đánh nhanh thắng nhanh được nữa ở Ukraine thì phe Ukraine có thời gian để đối phó nhưng chiến sự càng dai dẳng thì rủi ro đối với Ukraine càng gia tăng vì mức độ hậu thuẫn Ukraine của Mỹ, EU, Nato và đồng minh về chính trị, quân sự và tài chính để Ukraine chiến tranh với Nga càng khó được duy trì.

Châu Âu chẳng lâu nữa sẽ bước vào mùa đông. Thời tiết mùa đông đẩy tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine đến bên nhiều thách thức và khó khăn mới. Chiến sự trên thực địa vì thế sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ. Chắc phải qua mùa đông tới thì sự phân định thắng thua ở Ukraine mới dễ luận đoán hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem