Chiến sự Ukraine: Tiết lộ phía sau trận chiến giành Severodonetsk, Lysychansk

Tuấn Anh (Theo Al Zaeera) Thứ ba, ngày 28/06/2022 16:23 PM (GMT+7)
Thống đốc Luhansk cho biết quân đội của ông sẽ phòng thủ trấn giữ Lysychansk "càng lâu càng tốt" để quân đội Ukraine có thể tăng cường phòng thủ ở khu vực Donetsk lân cận.
Bình luận 0
Chiến sự Ukraine: Tiết lộ phía sau trận chiến giành Severodonetsk, Lysychansk - Ảnh 1.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai. Ảnh Ukrinform

Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk, miền Đông Ukraine, thuộc vùng Luhansk của Ukraine, mang lại chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Vladimir Putin, 4 tháng sau khi ông điều quân vào Ukraine.

Sự sụp đổ của Severodonetsk diễn ra sau khi thành phố chiến lược - với dân số 100.000 người trước chiến tranh - phải chịu đựng nhiều tuần bị bắn phá nặng nề. Trận chiến lên đến đỉnh điểm khi người Ukraine quyết định rút lui sau khi giao tranh xảy ra ác liệt trong khu công nghiệp của thành phố, nơi binh sĩ Ukraine đã phải cầm cự trong nhiều tuần tại nhà máy hóa chất Azot cùng với hàng trăm dân thường.

Thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, nói rằng quân đội Ukraine quyết định rút khỏi Severodonetsk vì "tất cả các công trình phòng thủ đã bị pháo kích quá nhiều và bị phá hủy".

Ông nói: "Đơn giản là chúng tôi sẽ mất nhiều binh sĩ. Chúng tôi đã rút lui tốt và có tổ chức và không để mất dù chỉ một người".

Giờ đây, trận chiến đã chuyển từ Severodonetsk đến thành phố sinh đôi Lysychansk, bên kia sông Seversky-Donets, thị trấn duy nhất ở Luhansk vẫn nằm trong tay người Ukraine.

Nếu Nga chiếm Lysychansk, nước này sẽ kiểm soát toàn bộ Luhansk, nơi cùng với vùng Donetsk tạo nên cái được gọi chung là Donbass.

"Chúng tôi sẽ giữ Lysychansk càng lâu càng tốt", ông Haidai nói. 

Ông nói thêm rằng người Nga khó có thể kết thúc chiến tranh ngay cả khi họ chiếm được toàn bộ vùng Donbass. 

Al Jazeera đã phỏng vấn Thống đốc Haidai về trận chiến giành Severodonetsk và tình hình ở Lysychansk. 

Al Jazeera: Tình hình ở Severodonetsk và Lysychansk vẫn căng thẳng. Ông có thể cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra ở đó trong ngày qua không?

Serhiy Haidai: Có những cuộc tấn công rất nghiêm trọng từ quân đội Nga vào thị trấn Lysychansk. Các cuộc tấn công đang đến từ các phía khác nhau. Về mặt địa lý, Lysychansk trải dài với các cung đường dốc và dốc lõm.

Chỉ trong một ngày như hôm nay, thị trấn đã bị pháo kích hơn 150 lần. Đó là một thảm họa. Hiện giờ tại Lysychansk, quân đội Nga đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ hoặc cắt đứt tuyến phòng thủ tại Seversky để bao vây Lysychansk.

Al Jazeera: Còn về Severodonetsk thì sao? 

Haidai: Chúng tôi đã quyết định rút quân vì trong vài tháng, tất cả các công trình phòng thủ đã bị pháo kích và phá hủy quá nhiều, đến mức không thể giữ vững ở một chỗ. Đơn giản là chúng tôi sẽ mất nhiều binh lính. Vì vậy, chúng tôi rút lui, chúng tôi rút lui một cách hợp lý và có tổ chức và không để mất dù chỉ một binh sĩ.

Al Jazeera: Còn lại bao nhiêu người ở Severodonetsk và ông có lo lắng về họ không?

Haidai: Hơn 10.000.

Lực lượng của chúng tôi không bao vây người dân địa phương. Tại sao chúng tôi lại bao vây người dân của chúng tôi? Vì vậy, tôi không lo lắng theo nghĩa mọi người phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng số lượng pháo kích rất lớn nên có khả năng một số quả mìn chưa nổ vẫn còn ở đó và đó có thể là một vấn đề lớn.

Al Jazeera: Nhưng họ nằm trong tay Nga. Ông có lo lắng về điều đó?

Haidai: Tất nhiên, tôi lo lắng về mọi người đã bị bao vây và bị chiếm đóng, nhưng trong ba tháng, chúng tôi đã yêu cầu họ sơ tán. Bản thân tôi đã làm điều này bằng mọi cách có thể và chúng tôi đã sơ tán nhiều người.

Những người còn lại hầu hết là những người muốn ở lại.

Al Jazeera: Theo ông tại sao họ không muốn rời đi?

Haidai: Một số không muốn mất tất cả những gì họ có, căn hộ hoặc nhà của họ và một số vì không có nơi nào để đi và họ sợ hãi - hầu hết là những người cao tuổi nói: "Chúng tôi sinh ra ở đây, chúng tôi sẽ chết ở đây". Và có một số người đang chờ đợi người Nga.

Al Jazeera: Thật khó tin khi một số người muốn người Nga ở đó?

Haidai: Đây chính xác là những người không có động lực. Họ thậm chí không kiếm được mức lương trung bình để có thể đến châu Âu và nhìn ra thế giới. Họ không có động lực để phát triển - họ hài lòng với khái niệm về Liên bang Xô viết và di sản của nó ở Nga.

Al Jazeera: Nhiều người nói trận chiến ở Severodonetsk giống với Mariupol - rằng những người lính trú ẩn trong nhà máy Azot cũng giống như Azovstal. Nhưng ông đã nói rằng nó không giống nhau. Tại sao?

Haidai: Quy mô khác nhau. Mariupol là một thành phố lớn, Azovstal là một khu phức hợp công nghiệp và có cả một thành phố hầm trú bom dưới lòng đất. Còn Azot không như thế, chỉ có một vài nơi trú ẩn riêng biệt.

Thứ hai, Mariupol đã bị bao vây nhưng Severodonetsk thì không, vì vậy luôn có cách để chúng tôi có được sản phẩm và nguồn cung cấp ở đó.

Al Jazeera: Tất cả quân ở Severodonetsk hiện đã được chuyển đến Lysychansk chưa?

Haidai: Rồi

Al Jazeera: Và ông nghĩ, các ông sẽ giữ được Lysychansk?

Haidai: Chúng tôi sẽ cầm cự càng lâu càng tốt. Nếu không có tổn thất lớn nào, chúng tôi sẽ quyết giữ phòng thủ. Trong khi chúng tôi cầm chân quân đội Nga ở Luhansk, Donetsk đang xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc.

Al Jazeera: Quân đội Nga có thêm vũ khí, nhân lực. Ông nghĩ tại sao họ phải mất quá nhiều thời gian để chiếm được Severodonetsk?

Haidai: Bởi vì họ không biết chiến đấu. Lần cuối cùng họ đấu với một đối thủ mạnh là khi nào? Xin hãy nhớ. Ngay cả ở Chechnya, họ đã thua trong chiến dịch đầu tiên. Họ chỉ phá hủy mọi thứ và thế là xong. Đó là chiến thuật của họ.

Al Jazeera: Ông đã nói vài ngày trước rằng một số lực lượng cũng đang được rút khỏi Lysychansk. Ông có nghĩ rằng Nga có thể chiếm toàn bộ Luhansk?

Haidai: Có thể. Thật không may, điều đó có thể xảy ra.

Al Jazeera: Nếu họ chiếm toàn bộ Luhansk và tất cả Donbas. Ông có nghĩ rằng chiến tranh sẽ chấm dứt?

Haidai: Tôi không nghĩ vậy. 

Al Jazeera: Và các ông sẽ cố gắng giành lại lãnh thổ?

Haidai: Vâng, chắc chắn.

Al Jazeera: Ông đã thấy quá nhiều bi kịch, rất nhiều người chết mỗi ngày. Ông quản lý như thế nào?

Haidai: Có rất nhiều người đang tìm kiếm tôi. Nên hiện tại, tôi không thể hiện được cảm xúc của mình. Họ ở đó, nhưng họ bị chôn vùi rất sâu.

Al Jazeera: Đây là nhà của ông, đây là những thành phố của ông. Khi ông nhìn thấy sự tàn phá, ông cảm thấy thế nào?

Haidai: Hãy nhìn xem, trong hai năm rưỡi, chúng tôi đã khôi phục rất nhiều ở vùng Luhansk, hơn 10 năm trước. Vì vậy, nhìn thấy tất cả những điều này là đau đớn nhưng tôi biết chúng tôi sẽ khôi phục lại tất cả một lần nữa.

Al Jazeera: Có thương vong nào ở Lysychansk hôm nay không?

Haidai: Có, nhưng chúng tôi thậm chí không thể đếm được bao nhiêu vì có một lượng lớn pháo kích.

Al Jazeera: Ông nghĩ tại sao Nga lại làm điều này?

Haidai: Đất nước giàu có nhất, với nguồn tài nguyên khổng lồ nhưng họ thậm chí không có một chiếc xe bình thường, tử tế cho riêng mình. Vì vậy, họ không thể làm ra bất cứ điều gì. Và cách duy nhất họ có thể biện minh cho điều này là chứng tỏ rằng cả thế giới đang chống lại họ, mọi người đều hung hãn với họ và vì vậy họ phải tìm ra kẻ thù nào đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem