Bảo tàng báo chí Mỹ nằm ngay trên “con phố bảo tàng” sôi động nhất Washington DC có diện tích trưng bày hàng ngàn m2 xuyên suốt 6 tầng cung cấp cho khách tham quan cái nhìn toàn cảnh về mỗi sự kiện xảy ra với nước Mỹ qua báo chí. Trưng bày “Reporting Vietnam” mới mở giữa tháng 5.2015. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là hàng trăm ảnh chân dung của quân nhân Mỹ, đại diện cho 58.220 quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam. Ellie Stanton- nhân viên bảo tàng cho biết, chuyên đề xuyên suốt là những câu chuyện của các nhà báo, họ làm gì, viết gì trong chiến tranh?
Khách tham quan khu trưng bày “Reporting Vietnam”. Ảnh: L.H
Suốt từ 1954 tới 1965, các nhà báo Mỹ đã viết những bài báo ủng hộ cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ngày 1.4.1965, hơn 200.000 người phản đối cuộc chiến đã biểu tình tại Washington nhưng không nhận được sự ủng hộ của báo chí.
Quan điểm này rồi cũng thay đổi khi Walter Cronkite, một nhà báo kỳ cựu tới Việt Nam, nhìn bao quát được cục diện chiến tranh và viết những bài phản chiến. Đặc biệt là sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến tranh khốc liệt, thương vong quá nhiều, ông đau xót gửi về những bức ảnh người chết la liệt. Các bài phân tích của ông cũng cho thấy với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cuộc chiến không có lý tưởng nên tại Sài Gòn, phong trào phản chiến lan rộng. Thông tin này được người Mỹ rất quan tâm. Năm 1969, một cuộc biểu tình lớn thu hút nửa triệu người tham gia và sự kiện này được đưa tin trên 2/3 trang nhất tờ New York Times. Những bài viết, bức ảnh choáng váng đã cho người Mỹ thấy những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Một trong những luận điểm được đưa ra ở ngay cổng gian trưng bày là “Có phải báo chí làm Mỹ thua trận?” khi các nhà báo Mỹ đưa tin “không tích cực”, phản đối cuộc chiến ở Việt Nam, khiến sự ủng hộ của công chúng giảm mạnh. Ralph Hickman- một du khách tới từ Virginia phản bác: “Rõ ràng quân đội miền Nam không chiến đấu. Họ không có lý tưởng cho cuộc chiến của mình”.
Kết thúc gian trưng bày, không còn là các hình ảnh chết chóc nữa mà là bức ảnh bừng sáng của một gia đình Mỹ đón người chồng, người cha trở về. Đó là hình ảnh đẹp nhất của ngày tháng kết thúc chiến tranh, và cũng là kết quả tất yếu mà mỗi người yêu chuộng hòa bình đều mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.