Chiều nay diễn ra Toạ đàm trực tuyến: "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung - cầu nông sản chính quy"

P.V Thứ ba, ngày 15/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Chiều nay 15/6, tại Trường quay S1 - Trung tâm Truyền hình Số, trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt sẽ diễn ra buổi Toạ đàm trực tuyến "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung - cầu nông sản chính quy". Buổi toạ đàm sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ 30 phút.
Bình luận 0

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, mới đây Bộ NNPTNT đã làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, thiết lập mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều loại nông sản bị ùn ứ, gặp khó khăn trong tiêu thụ, chúng ta rất cần có một mô hình kết nối cung – cầu chính quy, để nông sản Việt Nam ngày càng tốt lên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: "Nông sản là kết quả lao động vất vả của nông dân, nên phải nâng niu, trân trọng, chứ không phải là sản phẩm được tiêu thụ bằng "tinh thần giải cứu", bằng lòng thương hại…".

Chiều nay diễn ra Toạ đàm trực tuyến: "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung - cầu nông sản chính quy" - Ảnh 1.

Năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang trồng 28.100ha vải thiều, sản lượng ước 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước. Ảnh: Dân Việt

Thông qua sự phối hợp giữa 4 đơn vị, Bộ NNPTNT mong muốn sẽ tạo ra hình mẫu về kết nối cung cầu nông sản, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lan toả mô hình mới, xây dựng hệ sinh thái cùng đồng hành xây dựng nông nghiệp bền vững.

Hay như mới đây, ngay trong thời điểm "nóng" nhất của vụ thu hoạch vải thiều, khi mà dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và chưa từng có: Nói không với giải cứu vải thiều. Chỉ cần những bàn tay kết nối đưa vải thiều ngon, an toàn đến được mọi miền đất nước.

Tiếp đó, ngày 8/6 vừa qua, Bộ NNPTNT đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội chính thức đưa vào hoạt động 10 điểm bán hàng nông sản, thu hút sự quan tâm của xã hội và người tiêu dùng.

Qua đó để thấy, mục tiêu của mô hình tiêu thụ nông sản với sự phối hợp của 4 đơn vị không chỉ là góp phần giải quyết những vướng mắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch Covid-19, mà hướng tới thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân. Từ đó, tạo nên hình ảnh và thương hiệu cho nông sản Việt, góp phần giảm rủi ro mùa vụ, đứt gãy cung cầu…

Chiều nay diễn ra Toạ đàm trực tuyến: "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung - cầu nông sản chính quy" - Ảnh 2.

Các sọt vải chín đỏ được vận chuyển đến các địa điểm thu mua vải lớn tại huyện Lục Ngạn như thị trấn Chũ, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Dân Việt

Vậy, làm thế nào để người nông dân có thể đưa nông sản tham gia vào hệ sinh thái này? Nông sản cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì để được trưng bày trên kệ? Việc kết nối sẽ được thực hiện như thế nào để người tiêu dùng hưởng ứng, dễ dàng tiếp cận, mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh? 

Và chúng ta cần có những giải pháp nào để duy trì và ngày càng mở rộng các cửa hàng như thế này một cách hiệu quả ngay cả khi không có dịch Covid-19? 

Để trả lời những câu hỏi đó, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp thúc đẩy mô hình kết nối cung – cầu nông sản chính quy". 

Buổi Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Bộ NNPTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số doanh nghiệp. Buổi toạ đàm sẽ bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút ngày 15/6. 

Ngay từ bây giờ, Quý độc giả và bà con nông dân quan tâm đến chủ đề trên có thể gửi câu hỏi đến các vị khách mời và Ban tổ chức qua địa chỉ hòm thư: hueeconomic@gmail.com. Hoặc có thể gửi câu hỏi trực tiếp đến số điện thoại: 0987.102.984. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem