Chính phủ và sữa

Thứ ba, ngày 17/09/2013 07:13 AM (GMT+7)
Chỉ sau một công văn yêu cầu làm rõ giá sữa của Thủ tướng, và một cuộc họp cấp Cục giữa hai Bộ Tài Chính, Y tế, vấn đề giá sữa tồn tại suốt từ 2010 trong sự phẫn nộ của dư luận, đã được giải quyết.
Bình luận 0
Tóm lại, gọi là sữa, hay “sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em” thì cũng phải kê khai giá hết. Và từ giờ trở đi, xa rồi chuyện muốn tăng thế nào thì tăng, trừ phi họ lại tiếp tục lách trong “giấc ngủ đông” của cơ quan quản lý.

Xin cảm ơn Thủ tướng, trước việc mà đáng lẽ ra, không cần đến một tờ công văn cấp Chính phủ.

Nhưng hiệu quả bất ngờ của tờ trát cho thấy vấn đề thả nổi, để tồn tại một cái giá giống y như sự “thách thức” dư luận, chẳng có gì phức tạp để đến nỗi các quan chức quản lý chỉ biết ôm đầu kêu khó.

Đại khái theo Thông tư 122 năm 2010, sữa là một trong 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Nhưng riêng đối với các nhà nhập khẩu sữa, thông tư này chẳng hề liên quan đến họ khi trên vỏ hộp sữa, người ta ghi tên gọi lên đó, là “sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em”.

Bộ Tài chính có biết không? Có. Một vị cục phó của bộ này than vãn đó là lách luật.

Bộ Y tế có biết không? Không biết là có biết không, dù biết chắc cơn giận dữ từ dư luận khi quy định mới của họ, yêu cầu nồng độ đạm phải đạt 34% mới được gọi là sữa- đã khiến hàng loạt các loại sữa quen thuộc với người dân bỗng dưng lại không phải là sữa. Khỏi xem tivi cũng biết “con bò” trong các quảng cáo sữa đã cười đắc ý đến thế nào.

Chả biết các hãng sữa đã trình bày thống thiết thế nào, để ngay cả khi đồng ý đưa vào diện phải quản lý giá, một quan chức của Bộ Y tế, y như một sự miễn cưỡng, vẫn cố vớt vát rằng giá sữa tăng 4-5 lần từ đầu năm là do các nguyên nhân nhân công, vận chuyển, kho tàng bến bãi, giá nguyên liệu tăng, tỷ giá, thậm chí do giá điện, giá nước liên tục thay đổi, chứ không phải vì không được bình ổn giá.

Phát biểu của ông cục phó vừa đúng vừa sai. Công bằng mà nói, giá cả đầu vào biến động có ảnh hưởng đến giá sữa. Nhưng nếu ảnh hưởng, thì trước hết sữa nội phải chịu ảnh hưởng.

Còn cái sai. Là sự lệch chuẩn, khi trước bàn dân thiên hạ, cơ quan quản lý thay vì “bắc kính lúp” soi giá sữa thì lại ban hành quy định để giá sữa lách luật, và sau đó, ra sức thanh minh cho các hãng sữa

Đấy, đến người có trách nhiệm còn suy nghĩ thế, trách sao giá sữa không tự tung tự tác, tăng phi mã với cái giá mang lại lợi nhuận còn hơn cả buôn ma túy.

Cái kết có hậu của câu chuyện giá sữa một mặt cho thấy trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân, nhưng cũng cho thấy quản lý hóa ra cũng giống với việc giải thích sự hợp lý trước mỗi lần sữa tăng giá, và ngồi một chỗ ôm đầu kêu khó.

Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem