Chính sách đối nội, đối ngoại của Obama sẽ thế nào?

Thứ tư, ngày 07/11/2012 13:07 PM (GMT+7)
Cử tri Mỹ đã một lần nữa tín nhiệm vì họ hy vọng 4 năm tới sẽ tốt đẹp hơn với những gì ông Obama đã hứa.
Bình luận 0

Tổng thống Barack Obama, ứng cử viên của đảng Dân chủ đã đánh bại đối thủ của đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney, tiếp tục là ông chủ của Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ 4 năm (2012- 2016).

Ông Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào ngày 20.1.2013.

Ông Obama từng là nghị sĩ cơ quan lập pháp bang Illinois 3 nhiệm kỳ (1997-2004) và cũng từng là Thượng nghị sĩ liên bang một nhiệm kỳ (2004-2008).

img
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Chicago ngày 25/10. (Nguồn: THX/ TTXVN).

Trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Obama đã đánh bại đối thủ Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain, trở thành chính khách da mầu đầu tiên tiếp quản ghế Nhà Trắng ở tuổi 47, được coi là một trong những tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Mỹ.

Ngày 4.4.2011, ông Obama thông báo tái tranh cử nhiệm kỳ hai, hầu như không có đối thủ trong nội bộ đảng Dân chủ, do vậy ngày 6.9.2012, ông được đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên chính thức.

Nỗ lực tái tranh cử năm 2012 của ông Obama được nhìn nhận là khó khăn hơn nhiều so với năm 2008, nhưng cuối cùng cũng đã đi tới đích.

Ông Obama lên cầm quyền tháng 1.2009 khi kinh tế Mỹ vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới bước sang năm 2012 tiếp tục đà phục hồi, nhưng không vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp 25 tháng liên tục tăng, nhưng đến tháng 10.2012 vẫn ở mức cao 7,9%, trong khi khoản nợ quốc gia ngày càng chồng chất, đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD và chẳng bao lâu sẽ vượt trần cho phép 16.400 tỷ USD.

Cách đây 4 năm khi lên cầm quyền, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cam kết sẽ nỗ lực hết mình nhằm hòa giải và hàn gắn những chia rẽ giữa hai đảng và đất nước do những toan tính khác nhau về lợi ích.

Áp lực bầu cử đã đè nặng đến mức ngay cả những nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa nhất cũng ngần ngại bắt tay với Nhà Trắng và đảng Dân chủ.

Thế nhưng, với quyền lực vẫn bị phân chia làm hai tại Quốc hội mới khóa 113, ông chủ Nhà Trắng liệu có làm được lời hứa cách đây 4 năm hay không thì vẫn là một câu hỏi.

Cử tri Mỹ đã một lần nữa tín nhiệm vì họ hy vọng 4 năm tới sẽ tốt đẹp hơn với những gì ông Obama đã hứa.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Obama chủ trương tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế; cam kết tạo thêm hàng triệu việc làm mới; tăng gấp đôi xuất khẩu nhằm hỗ trợ việc làm; giảm một nửa lượng nhập khẩu năng lượng vào năm 2020 bằng cách phát triển năng lượng xanh; giảm thâm hụt ngân sách; tăng thuế đối với thiểu số những người giầu có nhất nhưng giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và những gia đình có thu nhập thấp; cải cách bộ luật thuế doanh nghiệp để giảm thuế cho những công ty đưa việc làm từ nước ngoài về Mỹ; khuyến khích tăng sản lượng hàng hóa "Made in America".

Ông Obama chủ trương tăng đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo với mục tiêu trẻ em Mỹ phải được tiếp cận sự giáo dục tốt nhất thế giới, phấn đấu đứng đầu thế giới về tỷ lệ tốt nghiệp đại học vào năm 2020; đào tạo và tuyển mộ thêm giáo viên, xóa bỏ vai trò môi giới để sinh viên trực tiếp tiếp cận với các nguồn vay từ ngân hàng; tiếp tục có chính sách thu hút lực lượng lao động có tay nghề và nhân tài từ các nước; cam kết đẩy nhanh các dự án hạ tầng cơ sở, đường sá, cầu cống, đường ray, hệ thống giao thông công cộng, sân bay, hải cảng để giúp thúc đẩy kinh tế phát triển; khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ; tiếp tục coi kinh tế nông nghiệp là quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu và tạo việc làm.

Về đối ngoại, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã thực hiện được một số lời hứa với cử tri, đã hoàn tất rút quân khỏi Iraq; công bố lộ trình chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của tại Afghanistan; đã tiêu diệt được trùm khủng bố quốc tế Osamar bin Laden và một số thủ lĩnh của nhóm Al-Qaeda,...

Trên cơ sở những thành công trong đối ngoại này, ông Obama đã quyết định chuyển trọng điểm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xác định đây là khu vực gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21.

Trong thời gian tái vận động tranh cử, ông Obama một lần nữa xác định nước Mỹ là số 1 nhưng không thể tự mình giải quyết được mọi thách thức của thời đại mới, do vậy cần phải thông qua sự hợp tác với các đồng minh truyền thống, các đối tác và các tổ chức quốc tế, tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển quan hệ hợp tác với các trung tâm quyền lực mới.

Ông Obama xác định ưu tiên đối ngoại trong thời gian tới của Mỹ tiếp tục là chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến hạt nhân, vũ khí sinh học, an ninh mạng và sự thay đổi khí hậu.

Về buôn bán, ông Obama đã nhiều lần xác định đây là một bộ phận không thể thiếu cho sự thịnh vượng của Mỹ, cam kết tiếp tục thúc đẩy mở cửa các thị trường nước ngoài, ưu tiên cùng các nước sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); xác định khu vực sân sau Mỹ Latinh là thị trường rộng lớn cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

Trung Đông vẫn được xác định là một ưu tiên trong chính sách của chính quyền Obama nhiệm kỳ hai.

Quan điểm của ông Obama là bảo vệ đồng minh Israel, ủng hộ việc đàm phán ký kết hiệp định hòa bình lâu dài tiến tới thiết lập hai nhà nước Israel và Palestine độc lập sống hòa bình bên cạnh nhau; tiếp tục cùng các đối tác Arập và thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria; tiếp tục ưu tiên cho các giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế, nhưng cũng không loại trừ phương án sử dụng vũ lực nếu Iran vượt qua "ranh giới đỏ" chế tạo vũ khí hạt nhân.

Châu Âu vẫn là khu vực được ông Obama xác định là một trong những hòn đá tảng cho chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có việc tiếp tục tăng cường sức mạnh của khối đồng minh quân sự NATO và triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania.

Với Mỹ Latinh và châu Phi, ông Obama cam kết tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác chống khủng bố kết hợp thúc đẩy mở rộng cơ hội buôn bán và đầu tư; tiếp tục các chương trình chống HIV/AIDS.

Với các nước lớn, ông Obama cam kết tiếp tục mối quan hệ hợp tác, xây dựng, nhưng sẽ thẳng thắn hơn trong những vấn đề bất đồng với Trung Quốc.

Ông thừa nhận vai trò của Nga, cam kết tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quốc tế; tiếp tục đàm phán cắt giảm kho vũ khí hạt nhân; thuyết phục Quốc hội Mỹ bãi bỏ điều luật bổ sung Jackson-Vanik theo đó thiết lập quan hệ buôn bán bình thường vĩnh viễn (PNTR) giữa hai nước.

Đẩy mạnh các nỗ lực chung chống hải tặc, chống khủng bố, cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an ninh hàng hải của khu vực châu Á, trong đó có Biển Đông; cam kết đầu tư nhiều hơn vào mối quan hệ chiến lược lâu dài với Ấn Độ, giúp nước này trở thành trụ cột trong việc bảo đảm an ninh của khu vực Ấn Độ Dương là những vấn đề đã được chính quyền Obama nhiệm kỳ vừa qua coi trọng và nhiệm kỳ hai dự báo cũng sẽ được đẩy nhanh hơn.

Cử tri đã một lần nữa tin tưởng và đặt kỳ vọng. Bản thân ông Obama đã và cũng muốn làm nhiều việc hơn cho người dân Mỹ.

Tuy nhiên, với một Quốc hội mới khóa 113 vẫn chia đều quyền cho hai đảng, 4 năm tới đối với ông Obama được xác định "vẫn còn một núi khó khăn", chưa kể những gì mà ông muốn làm liệu có qua nổi cửa ải quyền lực luôn bị bế tắc do các vụ đấu đá quyền lực như trong nhiệm kỳ đầu 2008-2012 hay không.

Theo Vietnam+
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem