Chính sách vừa đấm vừa xoa lẫn lộn của Tổng thống Trump với Trung Quốc

Thứ bảy, ngày 20/01/2018 20:00 PM (GMT+7)
Cách tiếp cận lúc mềm mỏng lúc gay gắt của Mỹ với Trung Quốc trong năm qua báo hiệu mối quan hệ không suôn sẻ trong năm nay.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hồi tháng 11 ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Sau một năm cầm quyền của Trump, các vấn đề trong quan hệ song phương giữa Mỹ với Trung Quốc không giảm đi mà ngày càng gia tăng: thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục và kho vũ khí của Triều Tiên ngày càng phát triển. 

"Chúng ta đã thấy có những lúc Trump rất thân thiện với Trung Quốc nhưng ngay sau đó lại gay gắt với họ", Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Mỹ tại Đại học Nhân Dân, Trung Quốc, nói, theo SCMP.

Ông đề cập đến việc Trump ban đầu cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, tấn công mạng và ăn cắp việc làm của Mỹ nhưng sau đó chuyển sang ca ngợi Tổng thống Tập Cận Bình trong các cuộc gặp song phương tháng 4 và tháng 11 năm ngoái. Theo Trump, chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11 đã thành công vì các thỏa thuận giá trị 250 tỷ USD đã được ký kết.

"Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc", Trump nói trong chuyến thăm chính thức hai tháng trước. "Vì làm sao có thể đổ lỗi cho một quốc gia tận dụng cơ hội từ nước khác để phục vụ cho lợi ích của công dân nước mình? Tôi cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây có lỗi khi để cho việc thâm hụt thương mại ngoài tầm kiểm soát diễn ra và gia tăng", ông nói.

Trump sau đó chuyển sang thái độ gay gắt hơn khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cho rằng Bắc Kinh không nỗ lực ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cách tiếp cận liên tục thay đổi của Trump đã dẫn đến sự lo lắng ở cả hai bên, được thể hiện trong việc đổ bể hai thỏa thuận xuyên biên giới lớn. Nhà mạng Mỹ AT&T rút khỏi cuộc đàm phán với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei do áp lực của các nhà quản lý ở Washington, vì lo ngại về mối quan hệ của Huawei với chính phủ và các cơ quan an ninh Trung Quốc. Một ủy ban liên bang Mỹ cũng đã yêu cầu dừng thương vụ Ant Financial mua lại dịch vụ chuyển tiền Mỹ MoneyGram. Ant Financial là chi nhánh của Tập đoàn Trung Quốc Alibaba.

Trong đánh giá an ninh quốc gia của Trump hồi tháng trước, ông nói rằng Trung Quốc đã làm nhiều việc để làm suy yếu các lợi ích an ninh của Mỹ. Tuần này, khi điện đàm với ông Tập, Trump bày tỏ "thất vọng" rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng lên vào năm 2017 và nói "tình hình không bền vững".

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng 8,6% trong năm qua lên mức kỷ lục 275,8 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng trong năm thứ hai làm tổng thống của Trump, quan hệ Mỹ - Trung vẫn sẽ không suôn sẻ. "Khi Trung Quốc đang gia tăng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, cấu trúc quan hệ Mỹ - Trung đang thay đổi. Mối lo ngại của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại", Jie Dalei, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Chuyên gia Shi cũng không lạc quan về triển vọng mối quan hệ song phương vì Trump có thể sẽ áp đặt thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập và ông Trump đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm ổn định bước khởi đầu cho mối quan hệ song phương. "Nhưng tôi không nghĩ rằng bất cứ ai ở Trung Quốc hoặc bất cứ nước nào có thể nói chắc chắn rằng họ có khả năng tác động đến việc ra quyết định của Trump". Jie nói thêm.

"Rất khó để nói chính xác cách tiếp cận của Tổng thống Trump không chỉ với Trung Quốc mà với cả thế giới", Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói. "Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cần phải cố gắng chủ động định hình mối quan hệ", bà nói.

Trung Quốc đang tìm cách gắn bó chặt chẽ hơn với các nước khác về hợp tác thương mại. Chẳng hạn, "Canada và Trung Quốc đã có những tiến bộ nhất định trong việc nghiên cứu khả năng thiết lập một hiệp định tự do thương mại", Viện Chính sách Xã hội châu Á tại New York cho biết trong một báo cáo.

Năm 2017, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức vòng đàm phán thứ 12 về hiệp định thương mại tự do ba bên. Trung Quốc và New Zealand cũng tổ chức ba vòng đàm phán nhằm nâng cấp thỏa thuận song phương.

Trong khi đó, Tara Joseph, chủ tịch AmCham Hong Kong, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đang chờ đợi, nghe ngóng tình hình.

"Chúng tôi không nắm bắt được chính xác Washington sẽ có chính sách gì. Chính quyền hiện giờ rất khác các chính quyền tiền nhiệm, do đó, không có kịch bản để làm theo", bà nói.

Phương Vũ (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem