Chính thức: Áp thuế 10,2% với thép hình chữ H xuất xứ Malaysia

Thanh Phong Thứ tư, ngày 07/04/2021 15:27 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H xuất xứ Malaysia.
Bình luận 0

Ngày 2/4/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1162/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Malaysia là 10,2%.

Từ tháng 8/2020, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra đối với sản phẩm thép chữ H xuất xứ Malaysia. Trước đó, vào tháng 7/2020, đại diện ngành sản xuất trong nước đã nộp Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Sau đó, Bộ Công Thương điều tra sơ bộ trong 8 tháng theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới.

Chính thức: Áp thuế 10,2% với thép hình chữ H xuất xứ Malaysia  - Ảnh 1.

Thép hình chữ H xuất xứ Malaysia chính thức bị áp thuế chống bán phá giá ở mức 10,2%.

Qua đó, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước. Ngoài ra, đánh giá mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép hình chữ H.

"Trong quá trình điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã làm việc, tham vấn với các bên có liên quan để xem xét, xác định rõ phạm vi sản phẩm thuộc đối tượng điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy, lượng nhập khẩu đã tăng mạnh vào thời kỳ điều tra, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép hình chữ H trong nước. Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan.

Qua đó, xác định các sản phẩm có yếu tố đặc biệt cần được loại trừ, miễn trừ, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý II năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem