Ngày 19/5, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Nha Trang – Cam Lâm 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 chính thức đưa vào khai thác.
Trưa 19/5, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, lúc 10 giờ sáng 19/5 đã chính thức thông xe cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 101 km). Ngày đầu thông xe, nên phương tiện qua lại chưa đông.
Là một trong những người lái ô tô TP.HCM đi Ninh Thuận qua cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo trưa 19/5, anh Nguyễn Thanh nhà ở TP Thủ Đức cho biết, cung đường này tuyệt đẹp. Đặc biệt là thời gian rút ngắn gần một nửa so với đường cũ
"Nếu trước đây từ TP.HCM đi Ninh Thuận bằng tuyến Quốc lộ 1 phải mất khoảng 8 giờ thì nay chỉ gần 5 tiếng mà thôi. Ấn tượng nhất với chúng tôi khi xe chinh phục những quả núi cao chót vót được xẻ đôi, hoặc xuyên qua những hầm chui trong lòng núi. Nếu làm tốt công tuyên truyền, du khách sẽ tới Ninh Thuận và Cam Ranh ( Khánh Hòa) rất đông…", anh Nguyễn Thanh cho biết.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, dù đã lưu thông nhưng do các đoạn cao tốc mới đưa vào khai thác tạm, nhất là Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa hoàn thiện. Vì vậy ở các nút giao, đường gom dân sinh, mái ta luy... vẫn tiếp tục thi công nên tài xế phải chú ý quan sát.
Bên cạnh đó, từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến hết Ninh Thuận, hai đoạn cao tốc này dài khoảng 200km nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Vì vậy, tài xế phải hết sức lưu ý để đảm bảo nguồn xăng dầu cho xe, chuẩn bị đồ ăn thức uống, vệ sinh cá nhân trước khi di chuyển vào hai đoạn cao tốc này.
Được biết, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, trải qua 4 huyện tỉnh Bình Thuận. Điểm đầu dự án giao điểm cuối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại huyện Tuy Phong. Điểm cuối tiếp nối bằng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Hàm Thuận Nam. Dự án khởi công tháng 9/2020, cho phép gia hạn tiến độ thêm 6 tháng.
Trong giai đoạn phân kỳ này, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ 80km/h. Toàn tuyến có 5 nút giao chính để kết nối lên xuống, cứ khoảng 4-5km có một điểm dừng khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ hơn 10.853 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách. Trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác, dự án chưa triển khai thu phí.
Còn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, điểm đầu tại huyện Diên Khánh và điểm cuối tại TP. Cam Ranh, Khánh Hòa. Tổng kinh phí dự án hơn 7.600 tỷ đồng, hình thức BOT, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư.
Cao tốc khởi công từ tháng 9/2021, vượt tiến độ 3 tháng. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ 80km/h.
Toàn tuyến có 4 trạm thu phí đặt tại các nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh. Hình thức thu phí không dừng, thời gian khoảng 16 năm 4 tháng. Trước mắt, dự án chưa thu phí theo hợp đồng BOT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.