Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của siêu bão MANGKHUT. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 14/9/2018, vị trí tâm siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo diễn biến siêu bão Mangkhut tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km; đến 13 giờ ngày 15/9/2018, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Lu-Dông.
Đến 13 giờ ngày 16/92018, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông và cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; đến 13 giờ ngày 17/9/2018, vị trí tâm bão ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới Việt -Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội, từ chiều tối ngày 16/9 sẽ có mưa, mưa vừa sau tăng lên mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến cả đợt 200 - 400mm, có nơi trên 400mm. Gió trong đất liền sẽ mạnh dần lên trên cấp 10, vùng ven biển trên cấp 12.
Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của siêu bão Mangkhut, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:
Các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn Thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến siêu bão Mangkhut, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, tổ chức thường trực 24/24 giờ, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình siêu bão Mangkhut, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý.
Chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn, thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, tránh đuối nước, điện giật…
Các huyện vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang (Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ.
Với bán kính gió lên tới khoảng 400km, 27 tỉnh thành nước ta sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của siêu bão MANGKHUT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.