Cho bạn mượn xe nhưng bị giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn, xử lý ra sao?

Quang Minh Thứ năm, ngày 23/05/2024 10:31 AM (GMT+7)
Theo luật sư, người đến nhận lại xe vi phạm có thể là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có xe bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm…
Bình luận 0

Câu hỏi:

Tuần trước tôi cho bạn mượn xe máy để đi có việc. Sau đó, trên đường về, bạn tôi có ghé quán ngồi ăn nhậu với một nhóm người khác và sau đó khi đi về bạn tôi bị thổi nồng độ cồn. Vậy xin hỏi với trường hợp này tôi sẽ là người đi lấy xe về hay là bạn tôi? 

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng chức năng vẫn duy trì việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người dân điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, Công an TP.Hà Nội cũng triển khai 5 tổ công tác đặc biệt, gồm: CSGT, Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm tại 12 quận nội thành nhằm xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, cố tình vượt đèn đỏ, chở quá người theo quy định, điều khiển xe lạng lách đánh võng, xe tự chế chở cồng kềnh và đặc biệt phụ huynh chở con không đội mũ bảo hiểm….

Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu thì người đến nhận lại xe vi phạm có thể là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có xe bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm. Trường hợp chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm uỷ quyền cho người khác đến nhận lại xe thì phải lập văn bản uỷ quyền theo quy định pháp luật.

Cho bạn mượn xe nhưng bị giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn, xử lý ra sao?- Ảnh 2.

Lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu tài xế kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Chinh Hoàng.

Theo luật sư Giang, trường hợp chủ xe biết rõ người bạn của mình không đủ điều kiện điều khiển phương tiện (không có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn …) mà vẫn giao xe hoặc cho mượn thì tuỳ theo mức độ vi phạm, hậu quả mà chủ xe có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 30 Nghị định 100/2019 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.

Đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thì mức phạt là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, nếu như chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham giao thông mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Điều 264 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, cao nhất là 7 năm tù. 

Người phạm tội ngoài bị áp dụng hình phạt chính còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem