Chờ gỡ rào cản cho người cai nghiện

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 01/12/2014 06:59 AM (GMT+7)
Người nghiện ma túy khó tiếp cận, thậm chí không muốn tiếp cận cai nghiện thay thế bằng methadone vì nhiều rào cản hành chính. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp, người nghiện chất dạng này cũng đang trông chờ loại thuốc tương tự.
Bình luận 0

Chỉ 1/10 người nghiện tiếp cận được methadone

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện Việt Nam mới chỉ có hơn 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị bằng methadone. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến ngày 14.11.2014, cả nước có tới 204.000 người nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý). Như vậy, số người được điều trị cai nghiện bằng methadone chỉ chiếm 1/10 tổng số người nghiện ma túy trong cả nước.

img

Tạo việc làm và cai nghiện thay thế bằng methadone là cách để người nghiện hòa nhập cộng đồng (ảnh chụp tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Minh Nguyệt

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến ngày 15.11, cả nước mới có 38 tỉnh, thành phố triển khai chương trình methadone với 122 cơ sở điều trị. Con số này lẽ ra phải tăng mạnh khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32 về việc đẩy mạnh điều trị cai nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế (tháng 10.2014) nhưng thực tế việc triển khai tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Long, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự quan tâm của địa phương, nhiều nơi còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ Trung ương... “Bên cạnh đó, quy trình thủ tục xin được điều trị cai nghiên bằng methadone còn nhiều khó khăn. Hoạt động tốn kém, không có thu… nên các đơn vị không muốn mở rộng thêm các trung tâm, cũng như tăng số lượng bệnh nhân xin điều trị ở các trung tâm methadone” – ông Long nói thêm.

Anh Nguyễn Văn T – người nghiện thuộc quận Hai Bà trưng (TP.Hà Nội) cho biết, anh đã làm thủ tục xin cai nghiện thay thế bằng methadone từ 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được. “Tôi đã phải làm đủ loại giấy tờ, xin xác nhận địa phương, đi khám và phải làm 4-5 xét nghiệm ở 5-6 bệnh viện. Từ xét nghiệm tim gan, tới máu, nước tiểu… Xin giấy xác nhận thì chính quyền đẩy cho công an, công an lại nói hỏi chính quyền, cứ đùn đẩy qua lại” – anh T thất vọng nói.

Ngoài ra, anh Trần Thanh Thắng – đại diện cho mạng lưới người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUD) còn nêu thêm trở ngại: Thủ tục phức tạp khiến nhiều người nghiện là cán bộ, công chức không dám xin xác nhận đi cai nghiện tại điểm cai bằng methadone vì sợ bị lộ danh tính, ảnh hưởng tới công việc. Đi cai nghiện đã khó, được xét duyệt để cai nghiện bằng methadone lại càng khó hơn. Nhiều người được điều trị, nhưng quá trình điều trị có nhiều bất cập như: Thời gian không phù hợp, 8-9 giờ sáng mới được uống thuốc nên nhiều người bị muộn giờ làm, có người đi làm ăn xa… vì vậy sau một thời gian điều trị đành bỏ giữa chừng.

Thiếu phương pháp cai nghiện ma túy tổng hợp

Theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), có tới 74% người nghiện ở độ tuổi 18-35, trong đó 96% là nam giới và 4% là nữ giới. Hiện nay, số người nghiện sử dụng heroin chiếm 72% và có xu hướng giảm dần, trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng. Việc cai nghiện bắt buộc không đạt hiệu quả, có tới hơn 90% người nghiện tái nghiện.

Chính vì vậy việc cai nghiện các thuốc dạng ma túy bằng methadone đã không còn phù hợp với xu thế chung. Trước những thách thức trong công tác cai nghiện ma túy, mới đây (ngày 13.11), Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) đã đưa ra một nghiên cứu khoa học có tên “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm”.

Theo ông Lê Trung Tuấn – người sáng lập PSD thì phương pháp này được nghiên cứu nhằm ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn, thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy, trong đó căng thẳng là động cơ chủ yếu. Phương pháp của PSD nhằm tập trung chủ yếu vào giai đoạn chống tái nghiện. Thử nghiệm bước đầu trên gần 500 người nghiện ma túy (gồm nhiều dạng nghiện như ma túy đá, heroin…) đang được điều trị tại trung tâm thì có tới 60% số đối tượng nghiện ma túy đã được cai nghiện thành công.

Trước công bố về phương pháp cai nghiện mới này, ông Nguyễn Trong Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: Chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định đây là một công trình nghiên cứu khoa học, cũng như chưa có một hội đồng khoa học nào có thể đánh giá về khả năng thành công và hiệu quả như PSD đã khẳng định.

“Vấn đề cai nghiện ma túy đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, được Chính phủ và các ban ngành đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, ban ngành tập trung nhân lực, nghiên cứu tư vấn cho Thủ tướng, Chính phủ về cách thức, hoạt động cai nghiện ma túy tại cộng đồng một cách hiệu quả. Có thể thời gian qua, hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta làm tốt công tác điều trị cai nghiện bằng methadone, nhưng hệ thống hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chưa tốt” – ông Đàm khẳng định.

Vì thế, ông Đàm cũng có ý kiến đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia xem xét nghiên cứu đánh giá về phương pháp cai nghiện của PSD và cả những phương pháp mới nhằm hỗ trợ người cai nghiện sử dụng ma túy và ma túy tổng hợp, góp phần giảm thiểu số người nghiện, giảm kỳ thị với người nghiện bởi một khi đã điều trị, họ thực sự là bệnh nhân cần được trợ giúp.

Hiện cả nước có 142 trung tâm cai nghiện ma túy, trong đó có 123 trung tâm do nhà nước quản lý và 19 trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem