Nằm trong phạm vi môn Toán lớp 10, một câu hỏi được đưa ra để thử thách học sinh mới đây là: "Nếu có 500 triệu đồng, các em sẽ tiết kiệm và đầu tư như thế nào để sinh lời nhiều nhất?". Các em học sinh được chia thành các nhóm nhỏ để cùng nhau lên ý tưởng, lập kế hoạch sử dụng số tiền đó hiệu quả nhất.
Đây là nội dung để các thầy cô và học sinh khối 10 Trường Dewey áp dụng các kiến thức Toán học được học vào thực tế và cùng nhau lên ý tưởng, triển khai dự án với hình thức thể hiện mô phỏng chương trình Shark Tank - kêu gọi vốn đầu tư.
Với câu hỏi "Nếu có 500 triệu đồng, em sẽ làm gì?", em Lê Phan Khánh An chia sẻ: "Chúng em đã chia ra 2 phần đầu tư trong nước và quốc tế. Với quốc tế, chúng em mua cổ phiếu còn trong nước thì mua vàng tiết kiệm. Nhóm em có 2 bạn, mỗi bạn giỏi 1 phần nên chúng em đã chia ra để phát huy hết thế mạnh của mình. Cách học này chúng em được tìm hiểu thêm kiến thức kinh doanh đầu tư, tiết kiệm, thị trường trong nước, quốc tế rất hữu ích".
Còn với "chiến lược" của Thạch Đỗ Hoàng Anh, em cho biết: "Chúng em đã qua quá trình bàn bạc và lên ý tưởng, họp nhóm để tìm câu trả lời cho câu hỏi từ hình thức đầu tư, học khái niệm đơn giản nhất về lạm phát, tiết kiệm và đầu tư.
Chúng em không đầu tư tất cả 500 triệu đồng vào một giỏ mà chia 350 triệu đồng cho đầu tư chứng khoán và 150 triệu đồng tiết kiệm. Lúc đầu chúng em gặp khó khăn về thời gian để làm việc với nhau và phân bổ dự án. Sau đó chúng em đã có sự gắn kết hơn, chuẩn bị nghiêm túc, bài bản. Chúng em thích thú khi được biết thêm kiến thức môn toán, kiến thức kinh tế, tài chính".
Trong chương trình Toán 10 hiện nay, học sinh không chỉ học kiến thức tính toán thông thường mà còn được tìm hiểu rất nhiều khái niệm mới về Toán tài chính như: lãi suất ngân hàng, lợi nhuận và rủi ro khi đầu tư, lạm phát… Phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia đánh giá cao về cách học thực tiễn này.
Chị Phan Thị Bích Hạnh, phụ huynh có con học lớp 10 nhận xét: "Mọi người thường nói bộ môn Toán rất khô khan nhưng hôm nay được đưa vào dự án rất tuyệt vời và khai thác được năng lực của các con.
Học kết hợp thực tiễn tạo sự gắn kết, nhuần nhuyễn, giúp các con chịu khó đọc, tìm tòi về vấn đề chính trị, kinh tế… So với bố mẹ trước đây, các con đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều. Ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này nhưng các con đã thâm nhập, nhìn nhận vấn đề kinh tế cho tương lai rất đáng được khuyến khích".
Nói về ý nghĩa của chương trình, thầy giáo Vũ Việt Cường, Tổ trưởng Tổ toán cho hay: "Thông qua dự án tiết kiệm đầu tư, học sinh khối 10 sẽ hiểu được thế nào là tiết kiệm, thế nào là đầu tư. Các em sẽ có sự chuẩn bị để sau này có tài chính để quản lý hiệu quả.
Điều đặc biệt của dự án là học sinh không những được học và thực hành các kiến thức về Toán tài chính mà còn là những người trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức dự án với những nhiệm vụ mới như: làm truyền thông (viết nội dung, thiết kế poster, quay, dựng video…); đối ngoại (xin tài trợ, viết proposal, tiếp đón và ký kết các nội dung tài trợ…); sự kiện (lên agenda, ý tưởng sự kiện). Đây là điều rất có ích cho các bạn và các em sẽ xác định được ngành nghề mình yêu thích cho tương lai".
Anh Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính nói: "Tôi cho rằng, giáo dục tài chính rất quan trọng. Một số trường hiện nay đã áp dụng đào tạo cho học sinh để các em sẵn sàng cho tương lai trong đầu tư, quản lý tài chính cá nhân. Tôi đánh giá cao vấn đề này, giúp các em hoàn thiện mình hơn, trở thành công dân quốc tế. Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam chúng tôi cũng đang thực hiện chương trình hoạch định tài chính cá nhân để góp phần nâng cao kiến thức tài chính cho cộng đồng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.