Thủ tướng cho rằng giảm quá tải
bệnh viện tức là đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Muốn giảm
tải bền vững, phải làm sao cho các địa phương có trình độ, dịch vụ, chất lượng
điều trị tương đương nhau.
Mạng lưới y
tế TP.HCM hiện có 112 bệnh viện với 31.930 giường bệnh. Chưa kể các phòng khám
đa khoa, chuyên khoa khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, hàng năm, ngành y tế thành
phố phải khám và điều trị cho khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có 40 -
50% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác.
Do đó, từ lâu, thành phố đã luôn nhức
nhối với tình trạng quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện
chuyên khoa tuyến cuối như nhi khoa, ung bướu, chấn thương chỉnh hình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trong buổi làm việc về giảm quá tải bệnh viện tại TP.HCM sáng 7.9. Ảnh: Quốc Ngọc
Gắn “thương hiệu” tuyến trên với tuyến dưới
Báo cáo với
Thủ tướng vào sáng 7.9 về triển khai thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện
giai đoạn 2013 - 2020 tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận
cho biết công tác điều trị gặp hết sức khó khăn tại các bệnh viện quá tải.
Thực trạng
này xảy ra khá nặng nề tại Bệnh viện Ung Bướu. Hiện bệnh viện có 1.300 giường nội
trú với công suất sử dụng thực tế lên đến 247%. Tức có lúc 3 bệnh nhân phải nằm
chung 1 giường.
Tương tự, Bệnh
viện Nhi Đồng 1 có 1.400 giường với công suất sử dụng 127%, thường xuyên không
đủ chỗ vì trung bình mỗi ngày có đến gần 7.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều
trị. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có diện tích nhỏ hẹp với 500 giường bệnh,
trong khi bệnh nhân đến khám, điều trị quá đông nên công suất sử dụng giường ở
đây luôn ở mức 140%.
Các bệnh viện
do Trung ương quản lý như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất cũng thường
xuyên trong tình trạng quá tải.
Bên cạnh việc
triển khai nhiều kỹ thuật mới trong y học nhằm giảm thời gian điều trị cho bệnh
nhân, thành phố đã thành lập 48 phòng khám vệ tinh của các bệnh viện thành phố tại
bệnh viện quận, huyện và đưa 59 bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ các phòng khám
này. Ngoài ra, thành phố còn triển khai thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình tại
một số bệnh viện trên địa bàn, bước đầu đã tạo tín nhiệm cho người đến đăng ký
khám.
Sở Y tế thành
phố cũng đã cử 1.768 cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến hỗ trợ cho hơn 50 bệnh
viện của 31 tỉnh, thành nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa
phương.
Theo ông Thuận,
từ nay đến 2015, TP.HCM tập trung thực hiện triển khai đề án bệnh viện vệ tinh
gắn “thương hiệu” bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Thành phố sẽ
có 6 bệnh viện hạt nhân, từ đó hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ
tinh tại các tỉnh, thành lân cận.
Cụ thể, Bệnh
viện Ung Bướu TP.HCM thành lập 2 bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.Cần
Thơ và Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định lập 2 vệ tinh tại
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Liên doanh Việt - Nga, Bệnh viện Từ
Dũ lập 2 vệ tinh tại Bệnh viện Phụ Sản Tiền Giang và Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận,
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình lập 2 vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận
và Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lập 3 vệ tinh tại Bệnh viện
Đa khoa Long An, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau và Bệnh viện Nhi TP.Cần Thơ, Bệnh viện
Nhi Đồng 2 lập 2 vệ tinh tại Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Đa
khoa Ninh Thuận.
Không phải cứ thêm 1.000 giường là giải quyết được
Ông Thuận
cho biết hiện TP.HCM đã và đang triển khai các dự án xây bệnh viện mới quy mô
1.000 giường bệnh gồm Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh
viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa
khoa khu vực Củ Chi. Riêng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới sẽ có quy mô
500 giường bệnh. Thành phố cũng sẽ xây mới khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị
kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hiện tại với diện tích sàn xây dựng
9.000 mét vuông. Mục tiêu về nhân lực, đến 2015, thành phố phải đạt 15 bác
sĩ/10.000 dân.
Bệnh nhân ung thư phải chia nhau “kẻ lộn đầu, người lộn đuôi” trên giường bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Phát biểu chỉ
đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, con người là trung tâm của sự phát triển,
do đó việc chăm sóc sức khỏe phải làm tốt từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. “Đây
là nhu cầu đặc biệt chính đáng của người dân. Chúng ta đã làm nhiều nhưng vẫn
chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi phải nỗ lực và có sự đột phá hơn”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng,
nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao nhưng trình độ phát triển không đồng đều, gây
tình trạng quá tải tại bệnh viện thành phố. “Giảm quá tải tức là đáp ứng nhu cầu
tốt hơn cho người dân. Chỗ quá tải chính là chỗ dân cần vì dịch vụ tốt, chất lượng
tốt. Giải quyết quá tải không phải chỉ cứ thêm 1.000 giường bệnh mới là xong. Phải
xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh làm sao giúp cho các địa phương khác có
trình độ, dịch vụ, chất lượng tương đương. Đây mới là giải pháp bền vững”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng
cũng yêu cầu rà soát lại trong các lĩnh vực đang quá tải nặng nề là ung bướu,
ngoại chấn thương, nhi, tim mạch xem tỉnh, thành nào có tiềm lực thì phải đầu
tư mạnh vào các lĩnh vực này. Quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng khám,
chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tỉnh.
Quốc Ngọc (Quốc Ngọc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.