Dù đang phấn đấu xây dựng NTM nhưng chợ Cái Nai của xã Long Trị chưa được đầu tư xứng tầm.
Đổi thay trên từng chợ
Những năm qua, việc quy hoạch đầu tư phát triển mạng lưới chợ ở các xã điểm xây dựng NTM về cơ bản đã giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hóa, buôn bán và mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nông thôn. Vì vậy, để góp phần đưa các địa phương sớm đạt chuẩn NTM, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn xây dựng nên những ngôi chợ khang trang, sạch đẹp. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Công thương tỉnh đã xác nhận 27 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ và xóa bỏ nhu cầu đầu tư xây dựng chợ đối với 8 xã. Tổng cộng đến thời điểm này có 35/54 xã đạt tiêu chí số 7.
Theo dự kiến, Phương Bình sẽ được công nhận xã NTM vào ngày 30-4 năm nay. Nhờ đầu tư bài bản, hạ tầng chợ Cái Sơn gần như hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ tiêu chí số 7 và các yêu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. Nhà lồng chợ được xây dựng kiên cố, khang trang, các mặt hàng bày trí ngăn nắp, gọn gàng, niêm yết giá cả rõ ràng. Chợ Cái Sơn ghi dấu ấn đẹp cho những ai lần đầu đặt chân đến. Ông Trần Minh Tuấn, chủ quán bán cà phê tại chợ, cho biết: “So với vài năm trước, chợ Cái Sơn hôm nay đã trở nên khang trang hơn trong mắt khách hàng, bởi có nhiều điểm kinh doanh đảm bảo an toàn, uy tín. Người bán ít nói thách nên người mua cũng vui vẻ và không trả giá nhiều”.
Theo UBND xã Phương Bình, ngoài 71 ki-ốt trong các dãy nhà lồng chợ, dãy phố khang trang đã nâng tầm vóc chợ lên rõ rệt. Chợ hiện có trên 100 tiểu thương. “Ở chợ Cái Sơn này, cả người mua, người bán lẫn tiểu thương đều có ý thức tốt tự dọn dẹp lô, sạp của mình sau buổi chợ tan”, ông Phạm Măng Non, Chủ tịch UBND xã Phương Bình, chia sẻ.
Còn chợ Phú Khởi xây theo tiêu chí mới ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp được đầu tư trị giá hơn 2 tỉ đồng trên diện tích 2.000m2, trong đó khu vực nhà lồng chợ gồm 20 ki-ốt cùng với hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, phòng cháy chữa cháy đầy đủ. Chợ nằm giữa với 4 mặt đường giao thông bao quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh. Từ khi có chợ mới, bà con có chỗ buôn bán ổn định, chỗ ngồi rộng rãi, thay vì trước kia ngồi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ vừa mất mỹ quan đường phố, vừa gây mất an toàn giao thông. “So với chợ Rạch Gòi phía bên kia đường thì chợ này ít người mua bán hơn, nhưng đổi lại đường đi thông thoáng, chỗ đậu xe thoải mái. Người bán có chỗ nơi cố định chứ không chen chút nhau. Vì vậy, dù sức cạnh tranh yếu nhưng tôi cũng giữ một lượng khách hàng cố định bằng việc cân đo, bán đúng giá…”, chị Nguyễn Thị Thùy Oanh, tiểu thương ki-ốt bách hóa tổng hợp tại chợ, chia sẻ.
Vẫn còn chợ chưa được quan tâm
Đồng hành cùng mục tiêu xây dựng NTM, chợ nông thôn còn là nơi mua bán, giao lưu hàng hóa của người dân. Thế nhưng, không phải chợ nào cũng đảm bảo tốt các yêu cầu mà người dân mong mỏi. Chợ Cái Nai thuộc xã Long Trị được xây dựng từ những năm 1994-1995. Qua hơn 20 năm sử dụng, hạ tầng giao thông tại chợ dường như bị xuống cấp trầm trọng. “Chỉ cần một cơn mưa, các con đường đều ngập, mùa mưa thì nước tràn luôn vào ki-ốt vì không còn chỗ nào thoát ra được. Nước rút xuống thì sình bùn khắp nơi. Nhiều người phải tự bỏ tiền túi ra tráng nhựa trước chỗ mình bán cho đỡ dơ. Chỗ tôi bán cũng bị nước ngập, lỡ quên kê đồ đạc lên thì xem như ngấm nước hết”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, tiểu thương chợ Cái Nai, phản ánh.
Còn bà Trần Thị Chính, bán cà phê tại chợ Cái Nai, cho rằng: “Ngoài xuống cấp thì việc bố trí vị trí buôn bán chưa hợp lý. Do vậy, tiểu thương còn khó khăn trong kinh doanh. Như ngay trước cửa nhà tôi lại bố trí quầy bán trái cây trong khi đáng lẽ ra phải là con đường đi. Chứ ngay cửa nhà mà không có đường vào thì cả dãy này khó buôn bán lắm”.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Long Trị, cho hay: Xã đang rốt ráo hoàn thành các tiêu chí còn lại để kịp công nhận vào cuối năm nay. Hàng năm, chợ này đều đạt chuẩn chợ văn minh. Dù cơ bản về tiêu chí chợ đạt nhưng xét tình hình thực tế thì hạ tầng chưa xứng tầm. Bởi chợ Cái Nai hiện vừa phục vụ nhu cầu mua bán của người dân tại xã còn đáp ứng cả nhu cầu của người dân thuộc xã Long Trị A. Vài năm trở lại đây, chợ xuống cấp thấy rõ. Địa phương cũng bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường nhưng vì nhu cầu đầu tư cao hơn với khả năng. Song song đó, từng có nhà đầu tư xuống khảo sát nhưng họ cũng bỏ đi vì thấy không có khả năng thực hiện dự án.
Bà Nguyễn Kim Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho biết: Nhu cầu kinh phí nâng cấp, sửa chữa cho các chợ để hoàn thành tiêu chí NTM ở thị xã khoảng 5,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, địa phương chưa tranh thủ được nguồn vốn, từ đó nhiều năm nay các chợ này vẫn xập xệ, chưa phát huy hết thế mạnh vốn có của nó.
Kim Điều (Báo Hậu Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.