"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi

Thứ sáu, ngày 16/04/2021 08:23 AM (GMT+7)
Mới đây, tài khoản Facebook được cho là thuộc về chủ một spa đã đăng tải hình ảnh bé gái, được cơ sở này thực hiện thủ thuật xăm môi, đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Bình luận 0

Xăm môi có an toàn cho trẻ nhỏ?

Trong nội dung bài đăng, bên cạnh hình ảnh bé gái với chiếc môi đỏ chót vì mực xăm, chủ tài khoản này không quên thêm những dòng quảng cáo: "Cô khách nhí 5 tuổi. Chị em nhìn mà lấy động lực nhé…".

Bài viết sau khi đăng tải đã nhận được nhiều lượt bình luận của người dùng Facebook, chủ yếu là các ý kiến bức xúc cho rằng em bé còn quá nhỏ để thực hiện phương pháp làm đẹp này.

"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi - Ảnh 1.

Hình ảnh bé gái 5 tuổi được xăm môi khiến dư luận xôn xao.

"Xăm môi thẩm mỹ là không phù hợp với trẻ em", đó nhận định của ThS.BS Nguyễn Đình Quân - Phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, về trường hợp này.

Theo lý giải của BS Quân, ở trẻ em, niêm mạc môi mỏng, hình dáng môi chưa phát triển đầy đủ nên nguy cơ tạo sẹo sẽ cao hơn người trưởng thành.

Mặc khác, trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn với các biến chứng và khi gặp biến chứng lại thường nặng nề hơn và để lại hậu quả lâu dài.

Trước hết phải kể đến nguy cơ nhiễm trùng tại vùng phun, xăm làm môi sưng nề, nóng đỏ, nổi mụn nhỏ li ti, tiết dịch, tiết mủ.

"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi - Ảnh 2.

ThS.BS Nguyễn Đình Quân thăm khám cho một bệnh nhân.

Thứ hai là biến chứng dị ứng với mực xăm làm môi sưng nề, ngứa kéo dài, làm xuất hiện các u hạt vùng môi. BS Quân phân tích, mực xăm được sử dụng trong phun, xăm thẩm mỹ có 2 thành phần chính là chất màu và dung môi. Trong đó chất màu đa số có thành phần là các kim loại nặng ví dụ như: chì, niken, bạc, asen... Các hợp chất này có thể gây nhiễm độc kim loại, dị ứng. Còn thành phần dung môi ngoài nước và cồn còn có thể chứa formaldehyde, chất này nếu nhiễm độc nhiều và kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề đến phổi, gan, thận. Nhiều tác giả còn cho rằng, mực xăm có thể đi khắp cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư.

"Đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì nguy cơ nhiễm độc và dị ứng cao hơn vì trẻ em nhạy cảm hơn cũng như khả năng đào thải các chất này kém hơn người trưởng thành. Vì thế biến chứng có thể nặng nề hơn", BS Quân cho hay.

Thứ ba, việc phun xăm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: HIV, viêm gan B, C hay Herpes.

"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi - Ảnh 3.

Một trường hợp tai biến sau xăm môi.

Bên cạnh đó, như đã đề cập, vì môi trẻ em rất mỏng và hình dáng môi chưa hoàn thiện, khi thực hiện thủ thuật phun xăm xâm lấn sâu, môi trẻ có thể gặp các biến chứng: sẹo lồi, sẹo quá phát, sẹo co kéo, làm biến dạng hình dáng của môi, rất khó có khả năng khắc phục. Ngoài ra còn có thể gặp phản ứng sốc phản vệ trong quá trình ủ tê, tiêm tê hay sử dụng mực xăm. Biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

"Có những biến chứng có thể khắc phục nhưng cũng có những biến chứng bác sĩ phải bó tay. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, mà còn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân, tôi hoàn toàn phản đối việc phun xăm môi cho trẻ", BS Quân nhấn mạnh.

Hệ lụy từ việc cho trẻ làm đẹp quá sớm

Bên cạnh trường hợp bé gái 5 tuổi được xăm môi như đã đề cập, có thể nhận thấy rằng, hiện nay không ít bậc phụ huynh có xu hướng cho con làm đẹp từ khá sớm. Hình ảnh các bé đang ở độ tuổi trung học cơ sở hay thậm chí là tiểu học, mẫu giáo nhuộm tóc, uốn tóc, sơn móng tay đã không còn quá lạ lẫm.

"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi - Ảnh 4.

Nhiều bé gái còn nhỏ tuổi đã được bố mẹ cho nhuộm, uốn tóc (Ảnh minh họa).

Về vấn đề này, theo BS Quân, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, các vị phụ huynh cần cẩn trọng trong việc làm đẹp cho trẻ nhỏ.

BS Quân cho hay: "Các loại thuốc để nhuộm, uốn tóc hay sơn móng tay đều chứa các hóa chất. Khi đã sử dụng hóa chất lên cơ thể thì đều có yếu tố nguy cơ, ví dụ như dị ứng. Một vấn đề thường gặp có thể kể đến là viêm da tiếp xúc kích ứng gây đỏ, loét".

"Choáng" với bé gái 5 tuổi đã xăm môi - Ảnh 5.

Các loại hóa chất trong sơn móng tay tiềm ẩn nguy cơ cho cơ thể non nớt của trẻ.

Một biện pháp làm đẹp tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn đang được thực hiện nhiều ở trẻ nhỏ, theo BS Quân, đó là bấm lỗ tai.

"Bấm lỗ tai trong điều kiện vô trùng sẽ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhỏ được phụ huynh đưa đi bấm lỗ tai ở những địa chỉ không đáng tin cậy, thậm chí là những người bấm lỗ tai dạo, quá trình thực hiện không đảm bảo sẽ dễ gây biến chứng", BS Quân nói.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị biến chứng sẹo lồi vùng tai sau khi bấm lỗ tai. Đây là biến chứng rất nặng nề, điều trị khó khăn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tai của trẻ sau này.

"Tai của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ cũng mẫn cảm hơn với các yếu tố nhiễm trùng. Do đó, khi xỏ khuyên tai bị nhiễm trùng sẽ dễ dẫn đến sẹo lồi", BS Quân chia sẻ.

Chuyên gia này bày tỏ quan điểm: "Ở trẻ nhỏ da, niêm mạc còn mỏng, môi cũng như các bộ phận khác còn chưa phát triển hoàn thiện. Việc can thiệp thủ thuật, phẫu thuật làm đẹp có thể ảnh hưởng làm biến dạng cũng như phát triển không đầy đủ của các bộ phận đó. Mặt khác trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức, năng lực hành vi để quyết định việc lựa chọn thay đổi bản thân, cũng như xu hướng làm đẹp. Vì thế gia đình không nên cho trẻ sử dụng các biện pháp làm đẹp nếu trẻ không có các khiếm khuyết được các bác sĩ chỉ định cần can thiệp.

Minh Nhật (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem