Chơi hàng hiệu mà không hiểu hàng hiệu

Hoài Thu Chủ nhật, ngày 21/12/2014 05:00 AM (GMT+7)
Chiếc áo không làm nên thầy tu, một chiếc túi da cá sấu vài trăm triệu chưa chắc đã làm cho bạn đẹp và "đẳng cấp" hơn so với một chiếc túi vài trăm nghìn được mua tại một cửa hàng bình dân trên phố.
Bình luận 0

Ngày nay, hình ảnh các "sao" Việt lung linh trên thảm đỏ tạo dáng chụp ảnh khoe túi xách hiệu nọ, váy áo hiệu kia đã quá quen thuộc trong mắt độc giả.

img

Angela Phương Trinh lộng lẫy trong bộ váy Dolce & Gabbana trị giá tới 3000 đô la (khoảng hơn 60 triệu đồng) đi dự sự kiện

Và không chỉ dừng lại ở giới showbiz, làn sóng "chạy đua" hàng hiệu này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng những năm gần đây. Theo đó, không ít kẻ "hợm mình" đua đòi xài hàng hiệu như một "chứng chỉ" cho đẳng cấp.

Hàng hiệu nói chung là những món đồ quần áo, giày dép, phụ kiện làm đẹp được sản xuất từ những nhãn hàng thời trang lớn, có tên tuổi trên thế giới. Đó đều là những mặt hàng chất lượng, được trau chuốt đến từng milimet và giá thành cũng không hề rẻ. Hàng hiệu bình dân thường có giá từ một đến vài triệu, hàng hiệu cao cấp thì mức giá là vô cùng, có thể từ vài trăm triệu đến vài tỷ.

Người đam mê thực sự và am hiểu về hàng hiệu cũng nhiều, nhưng người lấy hàng hiệu làm công cụ thể hiện vị thế của mình trong xã hội cũng không ít. Bất chấp những thứ đồ đó có phù hợp với túi tiền, hoàn cảnh, trang phục của mình hay không, chỉ cần người ngoài nhìn vào biết mình đang dùng đồ xịn, đồ sang là họ đã thỏa ước nguyện, bõ số tiền hàng chục, hàng trăm triệu họ bỏ ra.

Trên một diễn đàn chủ yếu dành cho phụ nữ, đã thành thông lệ, hễ cứ mua được cái túi xách hay bộ váy "xịn" nào là chủ nhân phải khoe ảnh lên ngay kèm theo nhãn mác, giá cả cho các chị em trầm trồ "mắt tròn mắt dẹt". Những thành viên nào sở hữu núi đồ hiệu càng khổng lồ thì càng được mọi người tán dương ca tụng, được theo dõi trang cá nhân chẳng khác gì một cô ca sĩ, diễn viên tầm cỡ.

img

"Nữ hoàng hàng hiệu" Thu Minh được ngợi khen với "cây" đồ hiệu 1,4 tỷ đồng tại ghế nóng The Voice

Ngay cả những môi trường học tập vô tư như giảng đường Đại học, nơi tưởng như ít có sự phân biệt giàu nghèo cao thấp thực chất cũng không thiếu những "con nghiện" hàng hiệu. Xuất thân từ một gia đình công chức bậc trung ở một huyện vùng cao, H.A theo học ngành báo chí đến năm thứ 4 Đại học mà vẫn chưa sắm được một chiếc máy ảnh du lịch rẻ tiền để tác nghiệp.

Nếu vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì không có gì đáng nói. Nhưng trái lại, cô không ít lần khiến lũ bạn cùng phòng phải tròn mắt ngạc nhiên với những chiếc túi xách hãng này hiệu nọ đắt đỏ ngang ngửa số tiền một sinh viên tỉnh lẻ chi tiêu trong cả tháng. Tâm sự với các bạn cùng lớp, cô cho biết: "Không có nhiều tiền, mình cũng chỉ toàn mua quần áo, giày dép hàng chợ như các bạn thôi, nhưng chỉ cần 1, 2 cái túi xách "xịn" đi kèm là người ta đã nhìn mình khác hẳn rồi.

"Chơi" đồ hiệu cũng thích nhưng phải chịu đầu tư. Có lần, để mua một chiếc túi yêu thích, mình đã phải nhịn học thêm tiếng Anh, nhịn mua máy ảnh mới dành dụm được đủ tiền."

Chỉ để "mua" cái oai trong mắt người đời, cô sinh viên đua đòi đã chấp nhận đánh đổi cả cơ hội học tập, sự đầu tư cho tương lai mà bố mẹ ở quê phải chắt chiu từng đồng lương để gửi cho cô hàng tháng. Ở nhà thuê, tiền chưa tự kiếm được, "nợ" mồ hôi nước mắt của bố mẹ chưa đền đáp nhưng những tín đồ mù quáng vẫn sẵn sàng "vung tay quá trán" chỉ vì những sỹ diện hão và thói ích kỷ, thích trưng diện của bản thân.

Kể cả với những "dân chơi" có tiền, dư thừa điều kiện vung hàng trăm triệu sắm đồ cũng khối người sắm chỉ để cho người đời biết rằng ta đủ tiền để sắm, vậy thôi. Họ không cần biết gì về lịch sử thương hiệu, đặc trưng nổi bật của từng nhãn hàng như cái túi này đặc biệt ở điểm nào, chiếc váy này đắt đỏ vậy là vì sao?...

Chưa kể, khi đã thiếu hiểu biết về giá trị mà chỉ quá mê muội vì giá thành, vì thương hiệu của một món đồ, người ta có vô số cách kết hợp kỳ quái phá vỡ mọi nguyên tắc thời trang cơ bản nhất chỉ để khoe cho bằng được "báu vật" mọi nơi mọi lúc.


Là một doanh nhân thành đạt kinh doanh bất động sản lâu năm ở Hà Nội, chị H. thừa sành điệu và hiểu biết về lĩnh vực thời trang, được nhiều người ngưỡng mộ. Ấy thế mà vẫn có lần người ta bắt gặp hình ảnh chị cầm trên tay chiếc túi Hermes khổ lớn bụi bặm gượng gạo tạo dáng để cố khoe ra bằng được trước ống kính máy ảnh, trong khi chị đang khoác trên mình bộ đầm dạ hội kiêu sa với giày cao gót lênh khênh và tóc bới cầu kỳ quý phái.

Trước những phản hồi, góp ý của bạn bè trên trang cá nhân về sự bất hợp lý này, chị cười xòa: "Biết thế nhưng mà những cái túi khác mọi người biết cả rồi, có mỗi "em" này mới nhất, chưa được trưng diện bao giờ nên muốn "trình làng" cho đỡ nhàm. Thôi thì mọi người cứ ngắm váy ra váy, túi ra túi đi thì có phải cả 2 cùng đẹp không".

Một bộ phận khách hàng "ruột" khác của các thương hiệu thời trang lớn cũng không hề có chút kiến thức nào về thời trang. Đó là những "đại gia" dư thừa khả năng tài chính, họ xài đồ hiệu đơn giản vì họ nghĩ mình có tiền, mình xứng đáng được dùng hàng cao cấp chứ không để tâm quá nhiều vào chúng.

img

Hàng tồn kho có thể được các hãng lớn chấp nhận hủy còn hơn là "xuống giá"

Dù không có ý khoe khoang, dương oai nhưng vô tình, đôi khi họ cũng làm mất đi phần nào giá trị của đồ hiệu khi sử dụng chúng mà không ý thức được những sản phẩm đó mang trong mình cả tâm huyết của những nhà thiết kế, hội tụ cả những công nghệ chế tác tinh xảo và hiện đại bậc nhất thế giới.

Kém "sang" hơn nhóm người này một chút là những tín đồ mê hàng hiệu nhưng lại ham đồ rẻ. Nhìn họ mang trên người những đôi giày sáng loáng nhãn mác bước đi đầy tự tin và kiêu hãnh, ít ai biết rằng họ đã mất đến hàng tiếng đồng hồ chen lấn, xô đẩy trong một cảnh hỗn loạn đông đúc không khác nào một phiên chợ vỡ. Họ tranh giành nhau từng tí một để rinh bằng được những món đồ hiệu trốn thuế giá rẻ.

Đôi khi, bí quá làm liều, họ cũng sẵn sàng chấp nhận dùng hàng "fake" (hàng nhái, hàng giả) với giá có khi chỉ bằng 1/10 hàng thật để "lòe" những người không biết.

Thực chất, một "dân chơi" hàng hiệu thực thụ luôn tự ý thức được giá trị của sản phẩm. Họ trân trọng từng đường kim, mũi chỉ, từng chiếc khuy nhỏ nhất... bởi tất cả đều là những "kiệt tác" của những nhà thiết kế bậc thầy. Họ khoác trên người những "bộ cánh" hàng trăm triệu vì họ cảm thấy thoải mái, vì chúng làm họ đẹp lên thực sự trong mắt người đối diện cho dù người ta chẳng hề biết cái áo đó giá bao nhiêu, đôi giày này hiệu gì.

Chung quy lại, dù là hàng chợ hay hàng hiệu, chúng chỉ đẹp khi được sử dụng đúng nơi đúng chỗ, khi chủ nhân biết cách kết hợp tinh tế, đặt trong một tổng thể hài hòa. Chiếc áo không làm nên thầy tu, đó chính là lý do một chiếc túi da cá sấu vài trăm triệu chưa chắc đã làm cho bạn đẹp và "đẳng cấp" hơn so với một chiếc túi vài trăm nghìn được mua tại một cửa hàng bình dân trên phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem