|
Người dân chủ yếu bán cà phê cho đại lý và thương lái. |
Dân không được hưởng lợi
Chúng tôi đến Di Linh - huyện trọng điểm sản xuất cà phê của Lâm Đồng vào đúng thời điểm thời gian thu mua tạm trữ cà phê kết thúc. Theo phản ánh của người dân, họ đã không thể bán được bất kỳ một cân cà phê nào theo chính sách đó.
Nhà ông K'Brel ở xã Bảo Thuận có 1ha cà phê, vụ vừa rồi thu về khoảng 2,5 tấn, toàn bộ số cà phê đó ông đã bán hết cho đại lý từ đầu vụ với giá chỉ có 23.000 - 24.000 đồng/kg thấp hơn giá thành sản xuất.
Ông K'Brel cho biết: "Tôi cũng có nghe trên TV nói về việc thu mua tạm trữ, nhưng thực chất không thấy có ai đến mua cả". Cũng như gia đình ông K'Brel, nhà ông K'Breoih có 1ha cà phê, vụ vừa rồi chấp nhận chịu lỗ để bán cà phê với giá dưới 25.000 đồng/kg, vì thế đến vụ này để có tiền mua phân bón, ông đã phải vay thêm ngân hàng 10 triệu đồng. Ông K'Breoih nói: "Nếu bán được từ 30.000 đồng trở lên thì đã có lãi, tôi không phải đi vay thêm tiền".
Trên thực tế, tại xã Bảo Thuận, do người dân thiếu tiền để mua máy móc, phân bón phục vụ cho niên vụ mới nên đã bán hết cà phê từ lâu. Nhà ông K'Sen, một trong những hộ dân còn may mắn vớt vát lại chút ít tiền lãi, khi ông vừa bán được 300kg cà phê còn trữ lại với giá 28.000 đồng/kg (cả vụ thu hoạch hơn 3 tấn).
Ông K'Sen ngao ngán nói: "Tôi có thấy công ty nào xuống đây mua đâu, chúng tôi toàn phải bán qua các thương lái hoặc đại lý hết, mà họ ép giá ghê lắm, như gia đình tôi chủ yếu bán được với giá 22.000 đồng/kg".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ trồng cà phê ở đây phần lớn phải đi vay vốn hoặc mua chịu phân bón, máy móc của đại lý, nên khi vừa thu hoạch xong cũng là lúc họ phải bán vội đi để lấy tiền trả nợ, phần lớn số tiền thu về từ bán cà phê chỉ đủ để trả nợ, thậm chí có hộ còn bị lỗ.
"Giải mã" thất bại
Bộ NN&PTNT cần có đánh giá, rà soát năng lực thực tế của các doanh nghiệp được chỉ định đến đâu, đồng thời tham khảo ý kiến của địa phương về việc, nên giao cho doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có đủ khả năng thì để họ thực hiện.
Ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng
Xã Bảo Thuận hiện có trên 1.100ha cà phê, vụ vừa rồi đã thu hoạch được hơn 2.500 tấn, hầu hết đều phải bán thông qua các đại lý, thương lái với giá chưa đến 25.000 đồng/kg.
Ông K'Bril- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi cũng có được thông báo về việc sẽ có thu mua tạm trữ cà phê, nhưng trên thực tế không có công ty nào thu mua cả".
Để thực hiện chính sách thu mua tạm trữ cà phê vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ định Tổng công ty Cà phê VN (Vinacafe) và Công ty cổ phần Cà phê Thái Hoà thực hiện việc thu mua cà phê tại Lâm Đồng. Song trên thực tế, 2 đơn vị này đã không thể vay được tiền ngân hàng để mua vì… nợ quá nhiều.
Ông Lê Viết Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: "Theo thông báo, hiện Thái Hoà còn nợ ngân hàng 57 tỷ đồng, Vinacafe nợ 150 tỷ đồng. Chính vì nợ quá lớn, nên họ đã không còn tài sản thế chấp để vay ngân hàng".
Toàn huyện Di Linh vụ trước thu hoạch được tới 100.000 tấn cà phê, hiện vẫn còn trong dân khoảng 25.000-30.000 tấn, nhưng thời hạn thu mua cà phê đã hết, nên người dân chỉ còn đường bán qua thương lái, đại lý.
Ngoài lý do doanh nghiệp không có tiền, ông Phạm Văn Án- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: "Trên thực tế, quyết định về thu mua tạm trữ cà phê đã được đưa ra quá chậm, đến 15-4 mới có, thời điểm đó số lượng cà phê trong dân không còn nhiều do người dân đã bán hết từ trước đó cả 2-3 tháng rồi.
Sau khi có thông tin về việc Thái Hoà và Vinacafe không thể mua tạm trữ được cà phê, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ NN&PTNT giới thiệu 6 doanh nghiệp khác của Lâm Đồng có khả năng thực hiện, nhưng đến khi thời gian thu mua tạm trữ đã hết, Bộ NN&PTNT vẫn không hề có văn bản trả lời.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.