Hiện nay, để chủ động trong việc tuyển sinh, các trường đại học được xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành. Chính điều này, đã tạo ra những xu hướng mới trong phương thức xét tuyển đại học. Theo đó, năm 2024 một số trường đại học đổi mới đề án tuyển sinh như bỏ phương thức xét tuyển học bạ, bổ sung phương thức xét tuyển mới.
Là phương án chiếm tỉ lệ học sinh nhập học chiếm 37%, việc loại bỏ xét tuyển học bạ của một số trường đại học được sự quan tâm của đông đảo thí sinh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định trên thế giới đã có nhiều quốc gia, nhiều trường đại học áp dụng tuyển sinh bằng học bạ.
“Xét tuyển vào đại học dựa vào kết quả học bạ thực tế không phải là sáng kiến mới, tuy nhiên, cần so sánh điều kiện thực tế tại Việt Nam và các nước nói trên. Tuy nhiên, lo ngại tình trạng “xin điểm”, can thiệp vào điểm số vẫn còn xuất hiện. Trong khi xét tuyển đại học lại có tính cạnh tranh cao với sự chênh lệch điểm nhỏ, bởi thí sinh chỉ hơn nhau 1/4 điểm đã quyết định việc đỗ hay trượt”, chuyên gia bày tỏ.
Cùng với đó, ông Khuyến cho rằng trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh có thể gây nên nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm và hệ quả là khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh cũng như gây nên tình trạng thiếu công bằng trong xét tuyển.
"Học bạ nên được các trường đại học sử dụng như là một tiêu chí phụ để bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác thì sẽ hợp lý hơn thay vì chiếm một tỉ lệ chi tiêu như các phương thức khác", TS. Lê Viết Khuyến đưa ra giải pháp.
TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng, các trường được quyền tự chủ xây dựng quy chế tuyển sinh và do cách tiếp cận của mỗi trường là khác nhau nên không thể đánh giá phương thức nào là phù hợp hay không phù hợp.
“Không thể phủ nhận việc đa dạng phương thức xét tuyển thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội chọn được những thí sinh tốt, phù hợp với ngành và mục tiêu của chương trình đào tạo”, ông Hà bày tỏ.
Đánh giá về từng phương thức xét tuyển phổ biến hiện nay, ông Hà chia sẻ việc tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT được đa số các trường lựa chọn, tuy nhiên tỉ lệ chỉ tiêu ngày càng giảm xuống.
Đối với xét tuyển dựa trên các kỳ thi đánh giá năng lực do một số trường tổ chức, mặc dù đây là kỳ thi đánh giá tương đối chính xác, sát với năng lực thí sinh nhưng nhược điểm số lượng các em tham gia các bài thi này hiện nay chưa nhiều.
“Xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế cũng là một các lựa chọn được các trường sử dụng vào nhưng cũng giống như thi đánh giá năng lượng số lượng thí sinh đạt chứng chỉ chiếm một lượng nhỏ, thường tập trung ở các thành phố lớn”, TS Trần Mạnh Hà nhận xét.
Cùng với các phương thức trên xét tuyển học bạ vẫn là một phương thức được tính đến, đặc biệt là xét kết hợp với các phương thức trên, vì đây vẫn phần nào phản ánh cả quá trình học tập của thí sinh hoc trong suốt 3 năm học.
“Học viện Ngân hàng vẫn sử dụng dựa trên kết quả học tập THPT, tuy nhiên sẽ có kết hợp thêm điểm cộng khuyến khích cho những em đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi từ tỉnh/thành phố trở lên, học sinh các trường chuyên”, ông cho biết.
Chính những yếu tố kèm theo như vậy khiến điểm xét tuyển học bạ năm 2023 của nhà trường có mức điểm từ 29 trở lên với tất cả các ngành. Ngoài ra, sau khoảng hai năm theo học, qua đánh giá, khảo sát điểm trung bình học tập giữa các phương thức xét tuyển điểm hầu như là không đáng kể.
Cũng theo ông Hà mỗi trường sẽ có công thức xét tuyển riêng nhưng mục đích cuối cùng là nhằm chọn được những thí sinh giỏi, xuất sắc, phù hợp với các yêu cầu của nhà trường.
Về công tác tuyển sinh năm 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.