Đọc bài viết về người bố thưởng 3 tỷ cho ai đẻ được con trai, tôi thấy xót lòng quá. Là một người đàn bà, lại đang phải chịu sự thờ ơ, lạnh nhạt của chồng chỉ vì chuyện con cái, tôi hiểu những người vợ của ông lão trong câu chuyện đó khổ sở đến thế nào.
Mỗi lần đi chợ về, nhìn cảnh chồng thư thái chăm sóc chim cảnh, tôi chỉ thấy nghẹn đắng. Tôi có mọi thứ, trừ một đứa con trai.
Ảnh minh họa
Yêu nhau từ thời sinh viên rồi lấy nhau, vậy mà phải đến khi sinh xong con gái thứ hai tôi mới biết thực ra anh không như tôi nghĩ.
Tôi là tiểu thư con nhà khá giả đã chọn yêu anh, một chàng trai tỉnh lẻ gia cảnh khó khăn. Bố mẹ tôi không ưng anh lắm nhưng vì con gái kiên quyết nên vẫn đồng ý.
Sau khi cưới, bố tôi cho anh vào làm trong công ty. Tôi thì chờ xin vào nhà nước. Chưa kịp đi làm thì tôi có thai. Là con gái.
Nhưng mọi người đều vui vẻ, chồng tôi đã khoe khắp nơi đầy tự hào: "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Những ngày tôi mang thai, anh chăm chút cho vợ rất tỉ mỉ. Đi đâu cũng phải đích thân đưa đón mới yên tâm. Anh còn tự đi mua đầm bầu, giày đế thấp để vợ đi "cho con được an toàn".
Lúc ở trong bụng mẹ hẳn con gái đầu của tôi đã rất hạnh phúc bởi hầu như ngày nào cũng được bố cho ăn đủ chất (thông qua mẹ) và cho nghe nhạc, nói chuyện tới nửa đêm.
Con ra đời, anh ôm con và ngắm suốt ngày. Đi làm nửa ngày cũng phải gọi điện về hỏi xem con có ăn, ngủ ngoan và nhớ bố không. Dù lúc đó con chưa thể nói được gì ngoài câu ọ ẹ.
Tôi đã sống những ngày thật sự hạnh phúc khi được làm mẹ, làm vợ.
Nhưng nó không kéo dài. Chỉ 10 tháng sau khi sinh, tôi lỡ kế hoạch. Lần này lại là con gái. Nghe tin, chồng tôi chỉ tỏ ra hơi buồn. Anh vẫn quan tâm vợ con dù không được nhiệt tình và chu đáo như trước.
Thái độ của anh chỉ thật sự thay đổi sau khi tôi sinh con. Lần này là lần thứ hai tôi mổ đẻ. Sẽ chẳng có gì nếu tôi không bị viêm và phải mổ lại. Vậy là tôi đã mổ đẻ ba lần, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ rất nguy hiểm nếu sinh tiếp.
Những ngày sau đó, thái độ của anh đối với mẹ con tôi cứ nhạt dần. Anh hay làm về muộn hơn, ít quan tâm tới ba mẹ con hơn. Vợ chồng tôi cứ sống với đống mâu thuẫn ngày càng nhiều.
Tôi vất vả vật lộn trong đống việc nhà, với hai đứa con nhỏ, với những suy nghĩ tiêu cực về thái độ của chồng. Chồng tôi sau khi biết chắc tôi không có ý định sinh thêm con thì anh thể hiện thái độ khác hẳn.
Vì sống trong nhà của bố mẹ vợ cho, làm việc trong công ty bố vợ nên anh không dám đánh đập hay khinh thường tôi. Anh chọn cách dày vò tôi đầy cay độc: nuôi chim cảnh.
Người ngoài nhìn vào thấy nó thật thanh tao và nhã nhặn nhưng người trong cuộc như tôi thì mới thực sự thấm.
Hàng ngày, ngoài thời gian đi làm thì về nhà anh chỉ biết đến mấy con chim. Anh chăm chút cho chúng từ nước uống, cám dinh dưỡng, lồng, vải che… Thời gian anh chăm sóc chim cảnh nhiều hơn cả ở bên con. Anh nhìn chúng nhiều hơn cả ba mẹ con tôi.
Sáng nào anh cũng cho những chú chim phơi nắng trong khi 2 đứa con nhỏ phải vịn khung cửa số nhìn ra ngoài trời.
Anh tắm cho những chú chim và cho chúng ăn uống đều đặn trong khi con đói khóc cũng không pha cho con được bình sữa.
Tôi nhờ anh đi làm về mua cho con hộp sữa thì anh kêu không biết và không mua trong khi cám cho chim các thành phần và chất nào tốt anh đều nắm rõ..
Có lần con bị tiêu chảy, tôi pha thuốc cho con thì anh cầm chén thuốc mang ra cho mấy con chim uống rồi thản nhiên: "Người bị mấy ngày cũng không chết được, chim mà bị nửa ngày sẽ chết ngay". Tôi chết đứng người vì thái độ và câu nói đó…
Không biết tôi còn tiếp tục sống với anh như thế này đến bao giờ nữa. Tôi đã cho anh tất cả mà lại phải sống không bằng một con chim trong lồng.
Nhiều khi tôi thấy như phát điên khi suốt ngày tự so sánh mình với con chim. Có phải anh đã quá ác tâm khi muốn dùng nó để nhắc tôi về cái "tội" mà tôi phải gánh: không sinh được con trai.
Quyết đẻ con trai và những bi hài kịch thời hiện đại
Câu chuyện sinh con trai, con gái không còn mới mẻ nhưng vẫn ám ảnh không ít gia đình trong cuộc sống hiện đại. Với lý do “cần người nối dõi tông đường”, “con gái là con người ta”, nhiều đức ông chồng đã công khai đánh đập vợ, thản nhiên ra ngoài tìm vợ bé, nhiều phụ nữ cay đắng ly hôn, hay lặng lẽ khóc thầm trong chính tổ ấm mà mình đã dành cả tuổi thanh xuân tạo dựng.
Những người đàn ông hiện đại quan niệm thế nào về câu chuyện “trọng nam khinh nữ”?. Các bà mẹ nghĩ gì khi chính con gái mình bị phân biệt, đối xử?. Có bao nhiêu người phụ nữ gặp phải bất hạnh chỉ vì "không biết đẻ con trai?"
Hãy cùng chia sẻ câu chuyện của bạn về chủ đề này tại địa chỉ mail songkhoedanviet@gmail.com hoặc bình luận ngay dưới bài viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.