Chong đèn trồng thanh long trái vụ, lãi trăm triệu đồng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 04/01/2016 06:15 AM (GMT+7)
Nghịch lý của người trồng thanh long tại Bình Thuận là giữa vụ giá rẻ như cho, cuối vụ khi thương lái mua giá cao, người nông dân lại không có bán. Nhận thấy bất cập đó, anh Nguyễn Út (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) đã sáng tạo cách chong đèn trồng thanh long trái vụ...
Bình luận 0

Trắng đêm tìm cách chong đèn

img

Anh Nguyễn Út kiểm tra vườn thanh long. Ảnh: Q.H

Anh Út cho biết, mỗi đợt kích thích ra hoa, anh phải dùng tới hơn 200 bóng đèn điện thắp suốt đêm, từ 19 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau, liên tục suốt 15 đêm. Mỗi đợt kích thích ra hoa như thế, anh phải trả tới vài chục triệu đồng tiền điện.

“Chi phí chong đèn tốn khoảng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg thanh long, tùy thuộc thời tiết; có khi chi phí còn cao hơn vì trong thời gian chong đèn mà thời tiết giá lạnh hoặc mưa dầm thì phải kéo dài hoặc làm lại từ đầu. Nếu giá thanh long “rớt” xuống 10.000 đồng/kg, coi như hòa vốn, còn dưới nữa thì lỗ nặng”- anh tính toán.

Để tiết kiệm chi phí, ban đầu anh Út đã thử thay thế toàn bộ giàn bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Kết quả điện tiết kiệm được sau mỗi vụ trái giảm được hơn 1/3 chi phí, sản lượng trái cũng không thay đổi nhiều so với ban đầu sử dụng bóng đèn sợi đốt. Tuy nhiên, chưa bằng lòng với kết quả này, anh tiếp tục thức đêm vài tháng để tìm thời gian chong đèn hợp lý. Anh kể: “Tôi chia vườn ra 2 mảnh, chong đèn và so sánh, đối chiếu kết quả cho tiết kiệm điện nhất nhưng sản lượng trái vẫn đạt bình thường. Sau nhiều tháng quan sát, áp dụng đã thành công”.

Thu nhập khủng

Kể về cách chong đèn, anh Út “bật mí”:  “Ban đầu tôi chong nửa vườn theo truyền thống, tức là bắt đầu từ khoảng 18 giờ-5 giờ sáng, nửa vườn còn lại, tôi thử thời gian chong đèn mới. Đầu tiên cũng chong lúc 18 giờ và tắt 4 giờ sáng, sau vài tuần quan sát mức độ ra bông, tôi giảm dần thời gian chiếu sáng bằng cách chong đèn muộn hơn và tắt sớm hơn. Cuối cùng tôi quyết định là khoảng 22 giờ chong, tắt 3-4 giờ sáng. Rút ngắn thời gian nhưng sản lượng ra trái giữa 2 mảnh vườn vẫn tương đương. Tôi dùng biện pháp này và tiết kiệm 1/3 chi phí. Cộng lại giảm được hơn 2/3 chi phí với bóng sợi đốt”.

Từ khi làm xen vụ, thanh long nhà anh Út luôn có trái to, đẹp và thương lái tranh nhau đến tận vườn mua. “Từ khi ra nụ đến thu hoạch mất 50 ngày. Ngưng thắp đèn, 4 - 7 ngày sau nụ hoa sẽ xuất hiện, cần 20-21 ngày cho hoa phát triển, 3 ngày để nở và thụ quả trong vườn, sau đó cần 25-28 ngày để quả phát triển. Nếu xử lý trái vụ liên tục thì mỗi trụ cho 25 - 26kg/5 lần xử lý, bình quân đạt 5kg/trụ, thấp hơn nhiều so với chỉ xử lý 3 lần (12kg/trụ/lần); cây khỏe, ít bệnh hơn”- anh tính toán.

Đặc biệt, giá thanh long ở mùa nghịch chính là 12.000-15.000 đồng/kg (tháng 9-12 âm lịch) cao gấp đôi chính vụ  (5.000-6.000 đồng/kg). Vào dịp Tết Nguyên đán, giá tới 20.000-22.000 đồng/kg. Vì vậy, khoảng thời gian này anh đầu tư khá kỹ lưỡng việc xử lý thanh long ra hoa trái vụ. Nhờ vậy, gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

  Ông Võ Tín - Trưởng phòng Kế hoạch  Công ty Rau quả Bình Thuận nhận xét: “Hiện nay, với khoảng 1ha thanh long, thu nhập bình quân của mỗi hộ trồng sẽ đạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm, nhà vườn nào “khéo tay” thì có thể đạt tới 120 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, với giả cả khá bấp bênh như hiện nay thì việc hộ trồng thanh long nào đạt khoảng 200 triệu đồng/ha là cực hiếm... Hộ anh Út nhờ sáng tạo trong cách dùng đèn điện chong thanh long cho thu nhập 300 triệu đồng/ha cần phổ biến, nhân rộng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem