Chống hạn cho vườn cây ăn quả vùng ĐBSCL: Làm ngay việc trữ nước, tích nước
Hải Đăng
Thứ ba, ngày 19/10/2021 09:55 AM (GMT+7)
Dự báo, trong các tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh cần chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ cây ăn quả đảm bảo năng suất, chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, thời gian vừa qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được các đơn vị của Bộ NNPTNT và các địa phương nghiên cứu, áp dụng thành công góp phần giúp tăng năng suất, chất lượng cho các diện tích cây ăn quả ở các vùng Đông Nam Bộ.
Cụ thể, trong các năm qua đã có hàng nghìn cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất như: Thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng; sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona, chôm chôm Dona; cam mật không hạt; nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn lai, nhãn Bảy Tô...
Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý các địa phương phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi song song với việc phát triển cây ăn quả của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn quả...
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác được áp dụng trên quy mô hàng chục ngàn ha như: Rải vụ thu hoạch, ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi; tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung; quy trình nhân và sản xuất chuối tiêu từ cấy mô...
Kỹ sư Phạm Minh Quân - cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho hay: Trong thời gian từ năm 2017 - 2020, trung tâm đã chọn được các dòng/giống cây có múi gồm: Bưởi bòng, bưởi bung, bưởi đường hồng với khả năng chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn 8‰ vào 56 ngày sau khi xử lý mặn trong điều kiện nhà lưới; có khả năng tiếp hợp tốt với các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Cam xoàn, quýt đường, bưởi năm roi, bưởi da xanh, cam sành.
Quá trình nghiên cứu, thanh lọc cũng cho thấy, cây quách có khả năng chống chịu mặn 6‰ sau 8 tuần xử lý mặn trong điều kiện nhà lưới; có khả năng tiếp hợp tốt với các giống cây ăn trái như: Cam xoàn, quýt đường, cam sành, chanh không hạt.
Chủ động chống hạn, mặn
Cục Trồng trọt nhận định, trong các tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022, sông rạch Nam Bộ chịu tác động mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL khả năng cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020. Các địa phương cần có kế hoạch ứng phó với xâm nhập mặn trong mùa khô.
Ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo các tỉnh Đông Nam Bộ chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn >1‰ cho cây. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn > 0,5‰.
Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).
Khi vườn cây đã bị nhiễm mặn, đại diện Cục Trồng trọt lưu ý các tỉnh bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón là và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây.
Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Cũng theo ông Tùng, trước khi lấy nước, người dân cần kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn >1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn >0,5‰.
"Không có cách nào khác ngoài việc trữ nước và tích nước" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nói và dẫn chứng câu chuyện ngoài Bắc, nửa năm không có mưa nhưng không bao giờ thiếu nước vì nhà nào cũng có ao để tưới cây, sinh hoạt...
Ông Doanh cho rằng, trong các vườn cây ăn quả ở vùng ĐBSCL, người dân phải đào rãnh, mương có đủ dung tích để trữ và tích nước cho mùa khô hoặc phải dành diện tích để làm ao như ngoài Bắc: "Chúng tôi đi kiểm tra thực tế ở các vùng trồng cây ăn quả ở đây thấy có nhiều mô hình rất hay và sáng tạo. Như ở Thới Lai (Cần Thơ), người dân lên liếp để mương to và làm giàn trồng mướp ở hai mép liếp rất sinh thái vừa giúp giảm thoát hơn nước vừa có thu nhập... Qua đó, tôi đề nghị các địa phương phải chủ động trong khâu kỹ thuật và tích nước giúp người dân giải quyết vấn đề hạn mặn để sản xuất hiệu quả".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.