Chống hạn ở Đăk Lăk: Hiệu quả cao nhờ nông dân sáng tạo

Thùy Linh Thứ ba, ngày 16/04/2019 15:38 PM (GMT+7)
Trước dự báo tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, thiếu nước tưới nghiêm trọng vào cuối mùa khô, nông dân huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) đã tích cực áp dụng nhiều mô hình tưới tiết kiệm, xây hồ nổi trữ nước để chủ động ứng phó.
Bình luận 0

Tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu tư

Đầu năm 2018, anh Lê Quý (thôn 3, xã Dlie Yang) quyết định lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho 3ha cà phê, với tổng kinh phí 90 triệu đồng, bao gồm máy bơm, van điều khiển, hệ thống đường ống dẫn nước qua từng gốc cà phê. Cùng với đó, anh Quý còn sử dụng màng phủ nông nghiệp (một loại nhựa nylon dẻo, mỏng dùng để che phủ bề mặt đất) trải dọc theo các hàng cà phê. Màng phủ này có màu đen, ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạn chế sự sinh trưởng của cỏ, tránh thoát hơi nước, giữ ẩm cho bộ rễ của cây.

img

   Nông dân Đăk Lăk dùng màng phủ để giữ ẩm cho cà phê.  ảnh tư liệu

Anh Quý cho biết: “Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và màng phủ bảo vệ, việc chăm sóc cà phê  của gia đình đỡ mất công hơn rất nhiều. Bởi so với tưới "dí" truyền thống (cầm ống xả nước vào từng gốc - NV), giờ tôi chỉ mất vài phút để vận hành hệ thống, tưới 2 lần/tuần, mỗi lần 5 - 6 giờ (tương đương 12 lít nước/gốc)”.

Cũng theo anh Quý, việc tưới nước như vậy còn kết hợp bón phân, giúp tiết kiệm được hơn 50% lượng nước, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm công lao động. Với cách tưới nước tiết kiệm này, hai năm trở lại đây, gia đình anh Quý không còn phải lo lắng về nguồn nước tưới vào mùa khô hạn, vườn cà phê luôn giữ được độ ẩm nên phát triển xanh tốt.

Còn với việc xây dựng hồ nổi trữ nước có thể tích phù hợp cho từng vườn cây, hàng trăm hộ nông dân khác ở huyện Ea H'leo đã có thể yên tâm sản xuất trong mùa khô hạn. Tranh thủ mùa mưa lượng nước dồi dào, bà con xây dựng các bể chứa bằng bê tông hoặc đào hồ lót bạt đắp bờ bao xung quanh nhằm tích nước để dành tưới cho cây trồng vào mùa khô.

Ông Hoong Trần Sáng (thôn 6, xã Ea Nam) có 3ha cà phê xen canh bơ booth và sầu riêng, địa hình đồi dốc khiến việc bơm nước tưới gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các đợt tưới cuối mùa khô do thiếu nước. Năm 2013, ông Sáng mạnh dạn đầu tư gần 80 triệu đồng khoan giếng, xây bể chứa bằng bê tông rộng 15m, dài 20m, sâu 3,5m sức chứa hơn 1.000m3 nước. Với lượng nước dự trữ từ mùa mưa, nhiều năm nay gia đình ông đã yên tâm chủ động việc tưới vườn.

Diện tích áp dụng còn khiêm tốn

Toàn huyện Ea H'leo có gần 80.000ha cây trồng các loại, trong đó diện tích cà phê hơn 30.000ha, nhu cầu nước tưới trong mùa khô là rất lớn. Huyện có 38 hồ chứa và 3 đập dâng, nhưng qua khảo sát vào cuối tháng 3.2019, nguồn nước tại các hồ, đập, sông, suối, giếng đào đang giảm rất nhanh, một số vùng có khả năng thiếu nước cục bộ. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn nước suy giảm, thiếu nước tưới cho cây trồng, việc nông dân có nhiều cách làm sáng tạo đã góp phần chủ động nguồn nước chống hạn.

img

 Xây hồ nổi để trữ nước mưa. ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Anh Khuấn - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện cho biết, những cách làm sáng tạo như trên đang 

Từ năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cà phê Ia Sao 2 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm (tưới phun mua tại gốc) trên 3ha cà phê tái canh. Kết quả cho thấy lượng nước tưới cho mỗi gốc cà phê chỉ có 240 – 320 lít/đợt, chu kỳ tưới 20 – 25 ngày, giảm được 30% lượng nước so với cách tưới truyền thống, đồng thời giảm được chi phí nhân công vận chuyển ống, nhân công cầm ống tưới từng gốc cà phê.

được địa phương khuyến khích, định hướng cho nông dân nhằm ứng phó với tình hình khô hạn đang diễn biến phức tạp. Toàn huyện có khoảng 400ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa… tập trung tại các xã Ea Wy, Dlie Yang, Ea Nam, Ea Ral và hàng trăm mô hình hồ nổi trữ nước với thể tích lớn, nhỏ khác nhau tùy theo nhu cầu nước tưới của từng hộ.

Theo Sở NNPTNT Đăk Lăk, toàn tỉnh hiện có 205.000ha cà phê. Với phương pháp canh tác truyền thống, lượng nước tưới mỗi đợt là 800 – 1.000 lít/gốc nên vừa lãng phí nước, vừa tăng chi phí nhân công. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, mỗi gốc cà phê sẽ giảm từ 300 – 400 lít/gốc, đồng thời tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, diện tích áp dụng phương pháp này vẫn còn khiêm tốn, do vốn đầu tư ban đầu cũng khá cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem