Chủ động hơn trong việc bảo vệ nhà báo

Thứ tư, ngày 11/08/2010 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 10-8, trong phiên Đại hội nội bộ Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX, các đại biểu đã bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề cấp thiết đối với hoạt động và sự phát triển báo chí.
Bình luận 0
img
Các nhà báo trao đổi trong giờ giải lao sáng 10-8.

Ngoài những thành tựu của báo giới cả nước và thành quả trong công tác Hội, Đại hội lần này sẽ tập trung phản ánh và lý giải, bàn hướng khắc phục các hạn chế trong nhiều mặt hoạt động của Hội. Có ý kiến đề cập đến việc quảng cáo quá nhiều hay việc một số báo ra đời ấn phẩm phụ bị tư nhân lợi dụng, những tác động của xã hội cũng gây khó khăn cho báo chí.

Một số ý kiến đề nghị giảm điều kiện thời gian xét kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí. Có ý kiến cho rằng nên quan tâm kết nạp cả phóng viên phát thanh ở cấp huyện, xã vì đội ngũ này cũng tham gia hoạt động báo chí...

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, một số ý kiến cảnh báo thực tế ngôn ngữ báo chí đang bị làm hỏng và kiến nghị Hội phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Cũng trong phiên Đại hội nội bộ, nhiều đại biểu quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến nghị Hội cần nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, sáng tạo của mình. Hội phải thường xuyên hơn trong việc tổ chức học tập, trau dồi kinh nghiệp, kỹ năng cho các nhà báo, tăng cường các mối quan hệ với quốc tế để mở rộng hướng tiếp cận cho báo chí trong nước.

Nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan – Báo Văn nghệ TP.HCM cho rằng: Phóng viên hiện phải tự bơi rất nhiều, rất cần được sự chỉ đạo và ủng hộ của các cơ quan đầu ngành thì mới phát triển được. Các Hội cơ sở phải năng động, chứ lập ra chỉ để ngồi đó thì hết nhiệm kỳ mọi thứ lại y như cũ.

Bảo vệ quyền lợi hành nghề hợp pháp của nhà báo cũng là chủ điểm mà Đại hội hướng đến. Trong bối cảnh những vấn đề tiêu cực có nhiều diễn biến phức tạp, báo chí ngày càng tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực này thì phản ứng bất cộng tác, cản trở, đe doạ, hành hung nhà báo có xu hướng gia tăng.

Nhà báo Nguyễn Quang Thống - Ủy viên Thường trực Thường vụ kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ cuối năm 2005 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 25 vụ cản trở, hành hung nhà báo. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, tình trạng này có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Đa số các vụ hành hung xảy ra với phóng viên đi điều tra chống tiêu cực, trong khi tác nghiệp tại hiện trường hoặc sau khi sự việc đã kết thúc, bị các đối tượng xấu phát hiện, thuê côn đồ trả thù. Tuy Hội Nhà báo đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết, yêu cầu xử lý nghiêm những đối tượng phạm pháp, nhưng cũng còn một vài vụ tồn đọng chưa giải quyết được do nằm ngoài thẩm quyền và khả năng của Hội Nhà báo Việt Nam, nhất là lại phụ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan có trách nhiệm khác.

Khó khăn này đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Hội Nhà báo ở trung ương và địa phương cần chủ động hơn trong việc bảo vệ nhà báo, cố gắng phòng, tránh để xảy ra các vụ việc rồi mới can thiệp hoặc để sự việc kéo dài mà chưa dẫn đến hồi kết. Cần có chương trình đưa việc bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo ra để xã hội và các cơ quan chức năng đều biết, và hiểu rõ, bù lấp khoảng trống nhiều người còn chưa biết thế nào là xâm phạm quyền tác nghiệp của nhà báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem