Chủ động kiểm soát lao động Trung Quốc

Thứ năm, ngày 11/08/2011 14:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến tháng 9 này, tại Dự án Alumin Nhân Cơ (Đăk R’lấp, Đăk Nông) sẽ có khoảng 600 lao động Trung Quốc làm việc. Nhiều biện pháp quản lý đối tượng lao động này đang được triển khai.
Bình luận 0

Nhiều lao động chưa có phép

Ông Nguyễn Đức Nguyên- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đăk Nông, cho biết, hiện có 311 lao động nước ngoài (LĐNN) là người Trung Quốc làm việc tại Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Trong đó số người làm việc trên 3 tháng (phải có giấy phép lao động) là 297 người, nhưng chỉ có 130 người được cấp phép.

Sự chậm trễ này là do đơn vị quản lý lao động chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý LĐNN nên chưa cung cấp đầy đủ các văn bản liên quan để Sở cấp giấy phép lao động.

img
Lao động Trung Quốc tại Dự án Alumin Nhân Cơ.

Theo Ông Kiều Đức Quang - Trưởng phòng Tổ chức lao động-Chuẩn bị sản xuất (VNAP-PMU), Công ty CP Alumin Nhân Cơ, số lao động chưa được cấp phép đang được nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục cấp phép.

Ông Nguyễn Hữu Bình -quyền Trưởng Công an xã Nhân Cơ (Đăk R'Lấp) cho hay, tình hình an ninh tại địa phương đang trong tầm kiểm soát. Tại Dự án Alumin Nhân Cơ, LĐNN sống ở 2 khu tách biệt, một khu dành cho chuyên gia (chủ yếu của nhà thầu chính Challieco), khu còn lại dành cho công nhân, kỹ sư, quản lý của 10 nhà thầu phụ. Họ sinh hoạt theo hình thức khép kín, từ việc ăn, nghỉ cho đến sinh hoạt. Vào cuối tuần, họ cũng ra ngoài nhưng đi theo từng tốp và được giám sát chặt chẽ.

Trục xuất ngay nếu vi phạm

Về vấn đề sắp tới sẽ có thêm khoảng 300 lao động Trung Quốc từ Dự án Tân Rai (Lâm Đồng) sang làm việc, ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, sẽ có một số khó khăn trong công tác quản lý nhưng đây là chuyện có thể giải quyết.

Phía chủ đầu tư, ông Quang cho hay, VNAP-PMU đã chủ động xây dựng quy định riêng về người nước ngoài đến làm việc tại công ty; đồng thời phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với chính quyền địa phương, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý LĐNN, bảo đảm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nếu nhà thầu hoặc lao động nào cố tình vi phạm hoặc làm trái các quy định, đơn vị sẽ can thiệp với nhà thầu, đình chỉ công việc và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Dẫn chứng là đã có 2 trường hợp bị trục xuất về nước.

“Sau khi các gói thầu hoàn thành, toàn bộ số LĐNN sẽ về nước, việc khai thác mỏ và vận hành nhà máy hoàn toàn do Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ của Việt Nam thực hiện”-ông Quang cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐTBXH cho rằng vẫn rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc quản lý LĐNN. Bởi trên thực tế, số LĐNN thường xuyên biến động, trong khi đó, chế độ báo cáo lại không thường xuyên, thủ tục cấp phép còn chậm, thủ tục không đầy đủ...

Ngày 9.8, bà Chung Ngọc Nhãn - Giám đốc Sở LĐTBXH Cà Mau cho biết, Sở đã báo cáo việc có hàng nghìn lao động người Trung Quốc chưa được cấp phép nhưng đang làm việc tại công trường Nhà máy Đạm Cà Mau lên cấp trên. Theo bà Nhãn, thực trạng lao động không phép người nước ngoài tồn tại khá lâu nhưng Ban quản lý dự án Cụm khí- điện - đạm Cà Mau buông lỏng quản lý, không đôn đốc nhà thầu thực hiện và không báo cáo với địa phương về lao động nước ngoài theo định kỳ.

Sở LĐTBXH, Công an Cà Mau kiểm tra trên công trường xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau phát hiện hơn 1.700 lao động người Trung Quốc. Trong số này chỉ có 677 người được cấp phép. Trước đó, Sở LĐTBXH Cà Mau đã xử phạt 5 nhà thầu có hành vi vi phạm sử dụng lao động không phép và trục xuất 16 người. (Nguyễn Bình)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem