Các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, nơi dự báo bão sẽ đổ bộ vào cần phải có sự chuẩn bị đối phó chủ động và tích cực.
Theo kinh nghiệm của nhiều năm chống bão, khi nào chính quyền chỉ đạo sát sao, người dân chủ động thực hiện nghiêm túc chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền thì hạn chế được thiệt hại. Ngược lại, nếu chính quyền và cơ quan có trách nhiệm lơ là, chủ quan, thì hậu quả ghê gớm. Gần đây, một cơn bão bình thường đổ vào Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng đã quật tan nát nhà cửa, thiệt hại nặng nề. Kiểm điểm sau đó đã chỉ ra là do chính quyền chủ quan trong chỉ đạo phòng chống.
Chính vì nhận thức được mối hiểm không chỉ mang đến từ cơn bão mà còn từ sự chủ quan của con người, nên Chính phủ luôn chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương các phương án phòng chống khi bão tới. Trước cơn bão Nockten, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã triệu tập cuộc họp khẩn, yêu cầu các tỉnh kiểm tra hồ, đập, chuẩn bị sơ tán dân cũng như triển khai các hoạt động ứng phó khác.
Từ các đợt chống bão trước, chính quyền các địa phương và người dân rất quan tâm đến công tác dự báo. Đã có không ít lần, cơ quan khí tượng thông báo không chính xác diễn biến của cơn bão, nên địa phương bị động trong phòng chống. Trên thực tế đã có những lần thiệt hại rất nặng nề về người và của do dự báo sai. Còn nhớ cơn bão số 9 (vào Quảng Ngãi) năm 2009, dự báo một đàng, bão vào một ngả. Để rồi sau đó xảy ra cuộc tranh cãi về công tác dự báo, tỉnh bảo sai, bộ bảo đúng. Hai bên cãi chưa ngã ngũ nhưng thực tế thì dân đã lãnh đủ hậu quả.
Một điều khác nữa mà người dân sợ hãi sau các đợt bão lũ gần đây là các hồ đập chứa nước của các công trình thủy điện tiến hành xả lũ. Các đợt xả lũ tạo ra lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên, khiến cho vùng hạ lưu bị ngập chìm thiệt hại nặng nề. Đã có nhiều tranh luận liên quan đến vấn đề này, các nhà quản lý cho rằng xả lũ hồ chứa là việc bất khả kháng, còn không ít nhà khoa học phản đối xả lũ mà không báo trước và di dời dân trước là gây nguy hiểm tính mạng và thiệt hại tài sản của dân. Chưa biết ai đúng ai sai trong những tranh luận này, nhưng điều rõ nhất là tổn thất thuộc về người dân.
Câu chuyện về nguyên nhân gây ngập lụt nặng ở miền Trung mỗi khi có bão lũ đang là vấn đề cần phải được làm sáng tỏ, còn việc khẩn cấp hiện nay là bão đã đến sát đất liền, để an toàn cho dân thì cần phải tính đến việc chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm để nếu có xả hồ chứa hay vỡ đập thì vẫn bảo vệ được tính mạng người dân. Còn hơn để sau khi hậu quả xảy ra, lại ngồi tranh cãi ai đúng ai sai...
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.