Cung - cầu hàng hóa được bảo đảm, chủ động phương án khi điều chỉnh giá các mặt hàng

P.V Thứ ba, ngày 16/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2023, việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa nhà nước định giá là một trong các nhiệm vụ phải có phương án chủ động để triển khai phù hợp; đồng thời phải có các giải pháp kiểm soát lạm phát tăng cao.
Bình luận 0
Chủ động triển khai các phương án khi điều chỉnh giá các mặt hàng - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị các phương án, kịch bản lạm phát để làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Trong những tháng còn lại của năm 2023, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường quốc tế và trong nước để có những giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp.

Cùng với đó, rà soát, thực hiện chính sách tài khóa theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và của Ban Chỉ đạo điều hành giá để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, đảm bảo nguồn cung; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.  

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát và phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp chung các phương án điều chỉnh nếu có để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm.

Đặc biệt, Cục Quản lý giá cũng cho biết sẽ tổ chức hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

4 tháng đầu năm 2023, theo Cục Quản lý giá thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều trong tháng 2 và tháng 3 do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết. Thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen. Sang đầu tháng 5/2023, giá điện tăng trong khi xăng dầu giảm theo giá thế giới. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 1/2023 tăng 4,89%, tháng 2/2022 tăng 4,31%; tháng 3/2023 tăng 3,35%, tháng 4/2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Tuy số ca nhiễm Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao ở một số địa phương như sau: Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,2%... cho thấy thị trường hàng hóa khá sôi động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem