Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chỉ 5 ngày sau vụ cháy chung cư mini số 37, ngõ 29/70 ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng, vợ chồng anh Nguyễn Quang Tuấn có nhà trọ ở đường Tân Triều mới (huyện Thanh Trì) đã lập tức gọi thợ đến cắt khung sắt tạo lối thoát hiểm ở các căn phòng trọ nơi có hàng chục người thuê sinh sống.
Trước đó, lo sợ mất cắp, ảnh hưởng an ninh nên anh Tuấn hàn khung sắt quanh ngăn cách các phòng khá kiên cố. Thợ đến đã dùng máy cắt, tạo thành cửa sắt để phòng xảy ra sự cố bất ngờ mọi người có thể thoát ra an toàn.
"Sau vụ cháy khiến tâm lý không chỉ chủ trọ chúng tôi mà người thuê cũng rất lo lắng. Tôi quyết định thuê thợ đến cắt tạo thành lối thoát hiểm mọi người có thể chui ra ngoài được phòng khi xảy ra cháy nổ. Sau 2 ngày thì căn phòng trọ của tôi gồm 4 tầng có 4 lối thoát hiểm, chúng tôi cũng sẽ trang bị thêm thang dây để đề phòng khi nhỡ may xảy ra cháy nổ hoặc trường hợp khẩn cấp", anh Tuấn nói.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại khu vực đường Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội trên đoạn đường hơn 100m nhưng có đến hơn chục nhà trọ "chen nhau" mọc lên như những lô cốt với song sắt bịt kín. Cách đó không xa, tại khu tập thể cũ ven đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, hệ thống "chuồng cọp" cũng xuất hiện phổ biến và dày đặc.
Tại khu nhà trọ 7 tầng tại số 30A, ngõ 73 Tân Triều ngay sau sự cố tại Khương Hạ xảy ra, anh Cao Duy Vũ là chủ nhà đã lên kế hoạch cắt những song sắt bịt kín ban công vì nhà anh chỉ có duy nhất một lối thoát là cầu thang bộ đi chung.
Ngoài ra, anh Vũ cũng yêu cầu người thuê trọ chỉ được sạc xe điện trước 22 giờ hằng ngày. Sau thời gian này, toàn bộ khu vực sạc sẽ bị ngắt điện.
Cách nhà anh Vũ không xa là khu nhà trọ của chị Triệu Thị Bé tại số 61A ngõ 73 Tân Triều. Từ đầu tuần, chị Bé đã thuê người cắt song sắt "chuồng cọp" để mở lối thoát cho khu trọ 5 tầng của mình. Ngoài ra, chị Bé cũng kiểm tra, thay thế hệ thống bình cứu hỏa tầng 1, cầu thang bộ và tại ban công các phòng ở.
"Sự việc vừa qua như một hồi chuông cảnh tỉnh, nên chúng tôi quyết định cắt một phần 'chuồng cọp' để mở lối thoát đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Gia đình cũng đang trang bị thêm cho mỗi tầng một bình cứu hỏa và thời gian tới trang bị thêm thang dây thoát hiểm theo quy chuẩn", chị Bé thông tin.
Anh Nguyễn Gia Thắng, chủ nhà trọ số 67/73 Tân Triều cũng cho biết, nhà anh đã tiến hành cắt "chuồng cọp" chỉ 2 ngày sau vụ cháy Khương Hạ. "Chúng tôi cũng sẽ khẩn trương rà soát, trang bị thêm các thiết bị thoát hiểm an toàn cho người thuê trong thời gian sớm nhất", người đàn ông này nói.
Việc cắt chuồng gọp, mở thêm lối thoát hiểm, mua thiết bị chữa cháy và đồ cứu hộ, quy hoạch điểm đỗ và thời gian sạc xe điện, bỏ bếp gas, tập huấn chữa cháy đang là những biện pháp hàng đầu không chỉ các khu chung cư, khu tập thể mà đang là những biện pháp hàng đầu được thực hiện ở nhiều khu vực nội đô Hà Nội.
Trao đổi với PV Dân Việt, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng, "chuồng cọp" càng kiên cố thì khả năng thoát nạn khi có hỏa hoạn càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể tới việc, đây cũng trở thành "vật cản" đối với công tác tiếp cận hiện trường của lực lượng chức năng.
Do những nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Khi có cháy, lối này đã bị khói, lửa chặn nên phương thức tối ưu nhất của cảnh sát là cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Lồng sắt nào càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.
Theo ông Xiêm, mỗi ngôi nhà nên có ít nhất 2 lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 ở vị trí nào, như thế nào phải dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của toà nhà. Việc này phải có chuyên gia PCCC đến hướng dẫn. Những trường hợp thương vong nhiều do cháy đa phần đều không có lối thoát nạn.
"Lối thứ 2 có chiều rộng tối thiểu 60cm, to hơn chiều rộng vai người. Ở tầng cao bắt buộc gia đình phải tự lo tìm cách thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp tạo thành tổ liên gia an toàn PCCC ở các nhà. Các hộ cần thống nhất với nhau thiết lập hành lang an toàn để nhà này thoát sang nhà kia trong điều kiện cháy", ông Xiêm chia sẻ.
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cũng đưa ra lời khuyên, các gia đình ở chung cư mini nên trang bị cho mình bộ thang dây. Trong vụ cháy này có gia đình cũng đã may mắn thoát chết nhờ thang dây.
Trong lúc nguy cấp không được quá hoảng sợ, thực hiện quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát PCCC, nhất là cán bộ quản lý cơ sở. Các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm. Điều này cũng là để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người", ông Xiêm nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.