Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp “kinh hoàng” với nhà vệ sinh tàu hỏa

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 15/03/2017 11:48 AM (GMT+7)
"Tàu chạy rất ồn, chắc chỉ khách trẻ mới ngủ dễ. Còn khách trung tuổi thì vật vã một đêm trên tàu rất mệt" - bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Bình luận 0

img

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Sáng 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý vào dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi). Bà Lê Thị Nga cho rằng, Luật đường sắt (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu tăng thị phần của đường sắt. Nếu so với đường bộ thì trong khoảng 10 năm gần đây đường bộ phát triển rất nhanh.

Bà Nga dẫn chứng, hiện hành khách đi từ Hà Nội về Nghệ An, Hà Tĩnh trên những tuyến xe khách rất hấp dẫn. Xe giường nằm, chạy ban đêm, khách ngủ một giấc là đến Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bà Nga kể, Tết nguyên đán vừa qua, bà về quê (ở Hà Tĩnh - PV) thử đi đường sắt và cảm nhận của bà là không thoải mái. "Tàu chạy rất ồn, chắc chỉ khách trẻ mới ngủ dễ. Còn khách trung tuổi thì vật vã một đêm trên tàu rất mệt" - bà Nga đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận xét tiếp: "Kinh hoàng nhất là mỗi khi nghĩ đến nhà vệ sinh của tàu hỏa. Tức là cái rất là nhỏ nhưng không thoải mái, tiện nghi. Nghĩ đến nhà vệ sinh trên tàu hỏa chắc nhiều người không muốn đi tàu nữa" - bà Nga thẳng thắn.

Bà Nga đặt vấn đề, chính sách nào để phát triển đột phát ngành đường sắt, đột phá là phát triển nhanh và có sự khác thường, vấn đề này liên quan đến đầu tư, đề nghị cần rà soát lại những chính sách quy định cụ thể.

Nói về đường ngang dân sinh giao cắt với đường săt, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, hiện nay có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh. Trong  đó chỉ có 1.511 là đường ngang  hợp pháp.

Vẫn theo ông Minh, với 4.211 lối đi dân sinh theo quy định của Luật đường sắt là những đường ngang mở trái phép mà không có cấp thẩm quyền cấp, do vậy, các lối đi này hầu hết không có cảnh báo.

"Thời gian qua, trước áp lực của giảm tai nạn giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải đã cùng với địa phương cố gắng rà soát những điểm đen, tập trung cho người cảnh báo, gác tạm thời ở đó" - ông Minh cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật cần có bước tiến bộ hơn nữa để giải quyết những đường dân sinh trái phép. Những nơi thật sự có nhu cầu mở đường dân sinh thì nhà nước phải đầu tư.

Luật phải chú ý tình trạng tai nạn xảy ra và phải xử lý nghiêm, nơi nào chính quyền để cho mở đường dân sinh trái phép phải xử lý kỷ luật ngay từ chủ tịch xã đến chủ tịch tỉnh đó thì mới được.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nơi nào mở đường ngang dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn mà không có giải pháp ngăn chặn, tức là anh đã vi phạm pháp luật trên địa bàn mình quản lý. Hơn 4.000 đường dân sinh trái phép hiện nay, nếu không có chế tài nghiêm thì khó xử lý được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem