Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức mới từ không gian mạng. Nổi bật là hành vi tấn công mạng có chủ đích vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán, phát tán thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép; tung tin giả về đại dịch Covid-19, gây hoang mang dư luận...
Trong bối cảnh Việt Nam chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, việc nhiều công ty cung cấp dịch vụ hoặc vận hành công nghệ do nước ngoài chi phối tiềm ẩn nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin của Việt Nam.
Các thế lực thù địch cũng tăng cường lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động chống phá. Nguy cơ mất tài nguyên thông tin và mất kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên mạng xã hội sẽ dẫn tới nguy cơ trở thành "thuộc địa số", lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài khiến chủ quyền, lợi ích quốc gia không được bảo đảm phát triển bền vững. Những lỗ hổng an ninh đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách trong bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng ở Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ. Thực tiễn đã chứng minh chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo vệ.
Theo ông Nghĩa, không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
"Không gian mạng giờ đây đã trở thành không gian chiến lược mới, vùng lãnh thổ đặc biệt gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhận định bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, rộng lớn, khó và nhạy cảm. Sau hội thảo cấp quốc gia này, ban tổ chức cần tổng hợp báo cáo để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được các nhà khoa học đề ra.
Ngoài ra, Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về không gian mạng, an ninh mạng cũng như thẩm quyền bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên không gian mạng…
"Mong rằng, các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn đi sâu tìm hiểu, phân tích và biên tập. Từ nhận thức đó mới xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng. Đây là yêu cầu rất quan trọng", Trưởng Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ.
Khái quát các vấn đề quan trọng trong các tham luận gửi đến hội thảo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Các chủ trương đều tập trung khẳng định: An ninh mạng và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng quyết tâm giữ vững An ninh Quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm an ninh mạng Quốc gia; xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích Quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Một trong những giải pháp được Đại tướng Tô Lâm nhắc đến là nâng cao năng lực làm chủ không gian mạng, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra. Ngoài thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng "Make in Viet Nam", chúng ta cũng thành lập các cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh thông tin, an ninh không gian mạng quốc gia trực thuộc Bộ Công an; lực lượng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không gian mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo đảm an toàn thông tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mặt khác, Việt Nam đang chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có năng lực xử lý các sự cố; hình thành các chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đại tướng Tô Lâm nhìn nhận an ninh mạng là thách thức an ninh phi truyền thống và là vấn đề mang tính toàn cầu. Việc xây dựng quy tắc ứng xử có trách nhiệm càng trở nên cấp bách khi thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong đại dịch Covid-19. Các mối đe dọa về an ninh mạng, tấn công mạng gia tăng, đòi hỏi sự tham gia hợp tác của nhiều lực lượng, chủ thể ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng góp phần huy động được các nguồn lực từ bên ngoài, tranh thủ sự giúp đỡ về khoa học công nghệ để xây dựng không gian mạng quốc gia an toàn, phát huy lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.
"Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về An ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.