Đầu năm 2009, anh Phạm Ngọc Tuấn ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội xây nhà tại số 21, ngõ 34/55, phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, ký hợp đồng xây dựng với một chủ thầu giá là 450.000 đồng/m2.
Chủ thầu này đã nhường công trình xây dựng trên cho Trần Đình Thắng (SN 1978), là người cùng thôn Mạc, xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau khi nhận công trình, Thắng được anh Tuấn ứng trước 300 triệu đồng.
Một thời gian sau, do Thắng bận thi công công trình khác nên Thắng lại nhượng lại công trình này cho anh Lê Văn Chung (SN 1978), trú tại ấp 2, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình xây tiếp. Thắng đã ứng trước cho anh Chung 10 triệu đồng.
Chung cùng với tốp thợ của mình gồm Lê Văn Công và Trần Văn Nhật tiến hành thi công, được khoảng nửa phần công việc của công trình thì hết tiền, anh Chung bảo Thắng ứng tiền thêm. Thắng đã gọi điện cho anh Tuấn chủ nhà nhờ anh ứng 10 triệu đồng cho anh Chung.
Khi Chung cùng nhóm thợ của mình làm xong phần nhà chính, chỉ còn phần cơi nới, sửa chữa khu nhà phụ thì nhóm của Chung hết tiền. Chung có đề nghị với Thắng phải ứng tiền tiếp thì mới làm. Vì Thắng không ứng tiền nên Chung cho thợ dừng xây dựng công trình.
Anh Tuấn chủ nhà thấy Chung dừng xây dựng nên đã hỏi, Chung nói lại sự việc cho anh Tuấn biết. Ngay sau đó, anh Tuấn đã gọi điện cho Thắng lên để thống nhất việc tính toán tiền công cho anh Chung để nhóm thợ của Chung còn hoàn thiện công trình.
Ngày 13-10-2009, Thắng đi xe máy từ nhà lên Hà Nội gặp Chung để thống nhất giá cả. Do có sự thay đổi của công trình nên Thắng chỉ trả cho anh Chung 400.000 đồng/m2 xây dựng. Phía Chung không chấp nhận giá này mà đề nghị 420.000 đồng/m2 (trừ tiền công xây dựng phần móng mà Thắng đã thi công), còn lại phần sửa chữa khu phụ Chung sẽ trực tiếp thanh toán với chủ nhà. Thắng đồng ý rồi bỏ đi chơi.
Đến 22h30, Thắng về nơi ở của Chung và tốp thợ, vào giường ngủ cùng Chung và một người thợ nữa.
Lúc đó khoảng 1h ngày 14-10-2009, Thắng nằm nghĩ về việc anh Chung đòi giá xây dựng công trình cao nên Thắng được hưởng tiền chênh lệch ít dẫn đến thù tức Chung và nảy ý định giết anh Chung.
Quan sát trong phòng, thấy mọi người đang ngủ say, dưới đất có một cuộn dây điện và một con dao phay để trong đống dụng cụ xây dựng và một ổ điện nằm ở dưới đất đang cắm xạc điện thoại đèn báo có điện nên nghĩ ngay ra việc dùng điện và dao để giết anh Chung.
Thắng chuẩn bị dây điện và lấy thêm con dao phay để cạnh chân giường mục đích nếu dùng điện giết anh Chung không chết thì sẽ dùng đến dao. Sau khi chuẩn bị xong, Thắng bất ngờ cầm một đầu dây điện cắm vào ổ điện đang có điện, còn đầu kia hở thì gí vào cổ anh Chung.
Bị điện giật, Chung choàng tỉnh dậy hô to "Anh Thắng ơi, điện giật" và vùng dậy. Ngay lập tức, Thắng vung dao chém liên tiếp vào đầu và tay Chung.
Nghe thấy tiếng động, mọi người tỉnh dậy. Chung bỏ chạy thì Thắng đuổi theo và chém tiếp hai nhát vào đầu và người. Hai người thợ nhảy vào can ngăn cũng bị Thắng chém vào đầu. Sau đó Thắng vứt dao và nhảy qua tường, để lại chiếc xe máy và bỏ trốn.
Được nhân dân trình báo, các anh Lê Văn Chung, Lê Văn Công, Lê Thanh Bình và Trần Văn Nhật sau khi bị chém đã được CAP Vĩnh Tuy đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu kịp thời.
Đến khoảng 6h cùng ngày, Thắng trốn ra khu vực cầu Vĩnh Tuy định đón ôtô về Hải Dương thì bị cơ quan công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Thắng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Bị can Trần Đình Thắng bị truy tố về tội giết người theo điều 93, khoản 1, điểm a, n BLHS (giết nhiều người và có tính chất côn đồ). Vụ án sẽ được xử sơ thẩm vào cuối tháng 6-2010.
Theo ANTĐ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.