Chủ tịch Đà Nẵng sẽ bị xử lý kỷ luật cả bên chính quyền?

Hồng Ngọc Thứ sáu, ngày 29/09/2017 19:00 PM (GMT+7)
"Với một cán bộ có khuyết điểm, vi phạm sau khi bị kỷ luật bên Đảng, phía chính quyền căn cứ thấy tính chất mức độ thế nào sẽ ra quyết định kỷ luật, có thể mức kỷ luật sẽ tương đương bên Đảng, cũng có thể mức kỷ luật còn cao hơn nếu bên chính quyền thấy cán bộ đó còn những vi phạm khác", một cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết.
Bình luận 0
Ngày 29.9, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

img

Ông Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: Báo Giao thông.

Ông Huỳnh Đức Thơ bị thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng vì những vi phạm, khuyết điểm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ tại phiên họp thứ 17. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng như sau:

Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020.

Với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.

Chưa chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định.

Nói về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo với Chủ tịch Đà Nẵng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Thời ông còn công tác (ông về hưu năm 2006), chưa có quy định cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với cán bộ là Chủ tịch tỉnh, việc thi hành kỷ luật phải do Ban Bí thư quyết định.

Theo một cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc tăng thẩm quyền xử lý kỷ luật cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có từ khóa XI. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thẩm quyền ra quyết định thi hành kỷ luật mức khiển trách, cảnh cáo đối với diện cán bộ do Trung ương quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp. “Ví dụ như cán bộ là Bộ trưởng nhưng không phải Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch tỉnh hay Phó Bí thư Tỉnh ủy nhưng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng”, vị cán bộ này cho hay.

Vẫn theo vị cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu diện cán bộ nêu trên vi phạm cần phải thi hành kỷ luật cao hơn mức cảnh cáo (cách chức, khai trừ) thì phải do Ban Bí thư quyết định. “Ví dụ như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, trước đây là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, thẩm quyền ra quyết định mức kỷ luật này thuộc Ban Bí thư”, vị cán bộ nói.

Vẫn theo vị cán bộ này, hiện việc thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm được thực hiện đồng bộ, nghĩa là kỷ luật cả bên Đảng và kỷ luật bên chính quyền (kỷ luật hành chính). Với một cán bộ có khuyết điểm, vi phạm sau khi bị kỷ luật bên Đảng, phía chính quyền căn cứ thấy tính chất mức độ thế nào sẽ ra quyết định kỷ luật, có thể mức kỷ luật sẽ tương đương bên Đảng, cũng có thể mức kỷ luật còn cao hơn nếu bên chính quyền thấy cán bộ đó còn những vi phạm khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem