Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú tiết lộ tiến độ tái cơ cấu Công ty tài chính Hafic
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT cho biết, đến cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 292.827 tỷ đồng, tăng 41%. Vốn điều lệ đạt 15.818 tỷ đồng, tăng 47%. Tổng huy động đạt 262.385 tỷ đồng, tăng 41%. Tín dụng tăng 21,5%, ở mức 160.817 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,81% dư nợ.
"Tổng tài sản năm 2020 của TPBank mới chỉ 200.000 tỷ đến năm 2021 đã gần 300.000 tỷ, khẳng định vị thế của TPBank trên thị trường", ông Phú nhấn mạnh.
Đặc biệt lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 6.038 tỷ đồng, vượt 4% so với mục tiêu, song tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 so với năm 2020 là gần 37%. Vốn hóa của TPBank gần 2,8 tỷ USD, quyền lợi của cổ đông được đảm bảo.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú, thời gian qua TPBank đã tăng cường mở rộng hệ sinh thái với việc nắm giữ 9,01% tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tái cơ cấu Công ty tài chính Hafic để biến trở thành công ty con của TPBank.
Cụ thể, TPBank góp vốn, mua thêm 9 triệu cổ phần từ quyền mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhằm đảm bảo tỷ lệ góp vốn 9,01% vốn điều lệ của TPS.
Với việc đầu tư này, TPBank có thể hỗ trợ TPS tích cực hơn nữa trên nhiều bình diện, trong đó chú trọng hỗ trợ các công nghệ mới nhất, ứng dụng vào các cơ sở hạ tầng, góp phần đem lại trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho khách hàng, giúp hoạt động của TPBank đa dạng, đặc biệt là thuận lợi trên thị trường trái phiếu.
Về tái cơ cấu công ty tài chính Hafic, trong năm 2021, TPBank đã từng bước đưa nhân sự vào tham gia quản trị, điều hành Hafic, hoàn tất Đề án hỗ trợ Hafic tự phục hồi có sự hỗ trợ của TPBank. Ông Phú cho biết hiện Đề án này đã được Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và đang hoàn thiện các thủ tục để trình báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận, dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn thành hoạt động này.
Trong hai năm 2020, 2021, TPBank cũng đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu với 4 quỹ tín dụng nhân dân yếu kém với số tiền gần 40 tỷ đồng. Trong tháng 12/2021, TPBank đã cùng với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đồng Nai giải ngân 100 tỷ đồng cho hai quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến và Thanh Bình.
Mục tiêu lợi nhuận 8.200 tỷ, vốn điều lệ tiến sát 1 tỷ USD
Năm 2022, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20%. Vốn huy động đạt 292.579 tỷ đồng tăng 12%, vốn điều lệ đạt 21.090 tỷ đồng, tăng 33%. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế lên kế hoạch đạt 188.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu không quá 1,5%.
Trong quý I/2022, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 10,6%, trong khi các năm trước chỉ tăng 4 – 5%. Lợi nhuận quý I/2022 tăng hơn 14% lên 1.600 tỷ đồng. Riêng tháng 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 706 tỷ đồng.
"Giả định NHNN cho phép TPBank được tăng trưởng tín dụng 18%, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được dư nợ cho vay và trái phiếu TCKT, đặc biệt là các chỉ tiêu khác như lợi nhuận 8.200 tỷ lợi nhuận trước thuế", ông Phú bổ sung thêm.
Định hướng hoạt động của HĐQT năm 2022 tập trung vào xây dựng và điều chỉnh các chỉ tiêu chiến lược kinh doanh giai đoạn 2022, định hướng giám sát hoạt động dịch vụ và đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ.
Về phương án tăng vốn, TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 21.142 tỷ đồng, chạm gần tới mức 1 tỷ USD thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP) với tổng tỷ lệ 34%.
Nguồn vốn tăng thêm được cân đối sử dụng cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin mở rộng mạng lưới, bổ sung vốn dài hạn để cho vay trung dài hạn và bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng, phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng.
Năm 2022, ngân hàng dự kiến mở rộng mạng lưới thêm ít nhất 40 điểm, hướng tới mục tiêu mở mới 70 điểm trong năm 2022, nâng tổng số điểm LiveBank lên 420 - 450 điểm. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi Covid 19, TPBank vẫn duy trì được tốc độ mở mới LiveBank với 80 điểm mở mới trên toàn quốc, đạt gần 400 điểm tính đến hết năm 2021.
Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tăng thêm 3 triệu khách hàng mới, tăng tỷ lệ hoạt động thêm ít nhất 10% so với hiện tại với sự đóng góp từ cả ba phân khúc: đại chúng, cao cấp và kênh Digital Banking. TPBank kỳ vọng sẽ duy trì vị thế trên thị trường với một số sản phẩm cho vay ô tô, mua nhà đất và mua nhà dự án.
TPBank không kiểm soát giá cổ phiếu
Trong phần thảo luận, một cổ đông băn khoăn việc các ngân hàng đang đầu tư rất nhiều vào ngân hàng số vậy lợi thế của TPBank có bị mất dần hay không?
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, cách mạng 4.0 đã mang đến cho nền kinh tế động lực để phát triển, việc tất cả các ngân hàng cùng đầu tư vào ngân hàng số sẽ tạo một thị trường phát triển. Có cạnh tranh thì thị trường càng phát triển và người nào tiên phong sẽ luôn có những lợi thế nhất định.
"TPBank đang đi trước nhiều ngân hàng một chặng đường khá xa, một số giải pháp TPBank đã triển khai cách đây 5 năm thì bây giờ mới có ngân hàng làm. Ví dụ cũng là xe điện nhưng xe Tesla sẽ khác những xe khác, khi nhiều người phát triển thì càng nhiều người sử dụng xe điện và là điều tốt cho thị trường. Trải nghiệm người dùng sẽ trả lời cho tất cả, cho thấy ưu thế của TPBank so với các ngân hàng khác", ông Tú nhấn mạnh.
Đối với khúc mắc của cổ đông về việc TPbank có kiểm soát giá cổ phiếu hay không, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú khẳng định: Ngân hàng TPB không có kiểm soát giá trị cổ phiếu, giá trị cổ phiếu do thị trường quyết định, tùy theo đánh giá của các cổ đông.
Ông Phú chia sẻ thêm, vào tháng 1/2021 giá cổ phiếu của TPB chỉ ở mức 27.000 đồng, đến 31/3/2022 thị giá của TPBank lên tới 40.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, nhà đầu tư được chia cổ tức tỷ lệ trên 30%. Dẫn ý kiến của cổ đông cho biết, cổ phiếu TPB ít giảm giá nhất trên thị trường, Chủ tịch TPBank cho rằng điều đó cho thấy bản thân thị trường các nhà đầu tư tin tưởng với sự phát triển của TPB. Ông Phú cũng tin rằng, chắc chắn giá cổ phiếu của TPB tiếp tục sẽ lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.