Chủ tịch nước: Tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc

Chủ nhật, ngày 10/02/2013 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Nhân dân lúc nào cũng khoan dung độ lượng, nhưng sự khoan dung độ lượng đó cũng có giới hạn, lại càng là một điều nhắc nhở nghiêm khắc về chức trách của mỗi chúng tôi".
Bình luận 0

“Trong 2 năm qua, chúng ta đã phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước, nhưng đồng thời trong năm tới, phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định như vậy khi nói về những đường hướng phát triển của kinh tế đất nước trong năm 2013.

Biển Đông và lập trường của Việt Nam

Thưa Chủ tịch, năm qua, vấn đề Biển Đông được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những chủ đề “nóng” được các nước ASEAN cũng như các quốc gia liên quan thảo luận. Vậy, quan điểm cụ thể của Việt Nam về vấn đề này?

Biển Đông là chủ đề Việt Nam luôn quan tâm, ASEAN và nhiều nước trên thế giới có quan hệ lợi ích gắn với Biển Đông cũng rất chú trọng. Việt Nam đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình: Tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận về DOC. Hai bên cũng đã thỏa thuận việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nâng những nguyên tắc đó lên cao hơn, có tính pháp lý ràng buộc. Tuy nhiên, chúng ta chủ trương tất cả những vấn đề đó phải được giải quyết hòa bình, hữu nghị, không dùng vũ lực, để Biển Đông thực sự hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với sinh viên Trường Ðại học Bách khoa, Hà Nội tháng 11.2012.

Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy với ASEAN. Trên thực tế, các vấn đề diễn ra về cơ bản là cũng theo các nguyên tắc và phương châm như trên. Tuy nhiên, vẫn có những va chạm nhất định trên Biển Đông mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua. Tôi một lần nữa nhấn mạnh, giải quyết tháo gỡ vấn đề này phải tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực hiện theo phương châm hòa bình, hữu nghị giữa các bên liên quan.

Chúng ta chủ trương giữ vững chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao hòa bình, nhưng tình hình biển đảo ở Biển Đông thời gian qua khiến người dân chưa an tâm. Chủ tịch nước có thông điệp gì đối với người dân về vấn đề này?

Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình Biển Đông là đúng. Đó là lòng yêu nước và tinh thần độc lập đã được trao chuyền qua bao thế hệ. Đảng và Nhà nước ta chủ trương làm gì cũng phải trên cơ sở lòng dân làm gốc. Lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ theo Công ước Luật Biển 1982. Chúng ta sẽ dựa vào luật pháp quốc tế, lấy đó làm cơ sở và sức mạnh để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình. Chúng ta đấu tranh mềm dẻo nhưng cũng đồng thời phải thường xuyên chủ động củng cố mặt trận quốc phòng an ninh, nâng cao cảnh giác trước mọi diễn biến ở khu vực, kiên quyết bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Món nợ lớn, phải trả với dân

Để kinh tế - xã hội phát triển, không thể không yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, trong đó quan trọng là sửa chữa những hạn chế, khiếm khuyết của cán bộ. Quan điểm của Chủ tịch nước về vấn đề này?

Là cán bộ thì phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý của mình. Hai năm qua, bên cạnh những kết quả nhiều mặt, đất nước còn nhiều khó khăn, nổi bật là khó khăn về kinh tế - xã hội. Điều đó nói lên trình độ lãnh đạo, quản lý của cán bộ còn nhiều mặt yếu kém, hạn chế. Những hạn chế, yếu kém đó và yêu cầu sửa chữa đã được nêu ra trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là đã được chỉ rõ trong quá trình các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. Mỗi đồng chí đều đã vạch ra chương trình sửa chữa khuyết điểm, yếu kém của mình, xác định thông qua tự rèn luyện để khắc phục hạn chế yếu kém, từ đó sẽ góp phần khắc phục yếu kém của nền kinh tế - xã hội.

Nhân dân rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 trong toàn Đảng. Không ít ý kiến băn khoăn về kết quả của đợt kiểm điểm lần này, thưa Chủ tịch?

Tôi hiểu, kỳ vọng của nhân dân về công tác tự kiểm điểm trong Đảng là rất lớn. Để giải quyết bộ phận suy thoái trong Đảng chắc chắn không thể một sớm một chiều, không phải làm một lần là xong. Quá trình này có thể kéo dài nhưng như một cơ thể có bộ phận hư hỏng thì chính mình phải giải quyết, trị bệnh. Đối với Đảng và Nhà nước cũng vậy. Phương châm là “kiên quyết và kiên trì”. Nói về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thì sau tự phê bình còn nhiều việc phải làm. Tự phê bình cũng không phải một lần là xong, mà phải làm hằng năm, thường xuyên, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các đồng chí trong Bộ Chính trị đến từng đảng viên, có theo dõi qua từng năm xem sửa chữa đến đâu. Đợt kiểm điểm lần này khác trước, có sự giám sát nhiều mặt. Không chỉ trong nội bộ Đảng, cơ quan dân cử cũng thực hiện việc giám sát, hàng năm lấy phiếu tín nhiệm. Với T.Ư Đảng cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và cũng sẽ ban hành quy chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội... Nghĩa là sự giám sát cán bộ sẽ tăng lên từ phía Đảng, cơ quan dân cử và nhân dân.

Cùng với việc kiểm điểm, phê và tự phê bình sẽ còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, Trung ương sẽ nghiên cứu, ban hành những chính sách liên quan đến công tác cán bộ, nhằm sửa chữa những khiếm khuyết; giải quyết triệt để các tiêu cực. Quá trình làm sẽ sàng lọc và loại bỏ dần “bộ phận không nhỏ” suy thoái, hư hỏng.

“Nhân dân lúc nào cũng khoan dung độ lượng, nhưng sự khoan dung độ lượng đó cũng có giới hạn, lại càng là một điều nhắc nhở nghiêm khắc về chức trách của mỗi chúng tôi. Chức càng cao, quyền càng to thì phải thấy trách nhiệm càng lớn”.

Thưa Chủ tịch nước, sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ đảng viên, nếu không sớm được giải quyết sẽ tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa dân với Đảng?

Đúng như vậy. Nhân dân gắn bó với Đảng, với chế độ đã hơn 80 năm qua. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dù vậy vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhân dân vẫn luôn tin vào Đảng, gắn bó với Đảng, với chế độ.

Nhưng trước những khó khăn hiện nay của đất nước và sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thì những người lãnh đạo đất nước biết phải nghĩ gì... Đó là một sự day dứt ghê gớm khi chưa giải quyết được vấn đề mất lòng dân thế này, chứ không thể yên tâm được. Đây là một món nợ lớn lắm, phải trả với dân.

Nhân dân lúc nào cũng khoan dung độ lượng, nhưng sự khoan dung độ lượng đó cũng có giới hạn, lại càng là một điều nhắc nhở nghiêm khắc về chức trách của mỗi chúng tôi. Chức càng cao, quyền càng to thì phải thấy trách nhiệm càng lớn.

Quyết tâm thay đổi để phát triển

Nhiều người cho rằng, trong các hoạt động công quyền cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lắng nghe. Đối với cá nhân Chủ tịch, khi nhận được những ý kiến bày tỏ quan điểm, nguyện vọng thì thái độ “lắng nghe” của Chủ tịch ra sao?

Cùng với nhiều nguồn thông tin khác, hằng ngày, tôi còn nhận được rất nhiều thư của nhân dân phản ánh hết sức phong phú mọi mặt của đời sống xã hội; cả về đối nội và đối ngoại; cả những góp ý về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đất nước; cả những thắc mắc, khiếu nại về chế độ, chính sách... Trong thư, có những vụ việc cụ thể hằng ngày, cũng có những vấn đề lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh lâu dài; có những thông tin làm tôi phấn khởi, nhưng cũng có những tâm sự làm tôi trăn trở, nghĩ suy... Nhiều góp ý giúp tôi hiểu rõ thêm đời sống người dân để cùng với các cơ quan chức năng giải quyết công việc tốt hơn.

img
Nhà máy Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.

Dù với tâm trạng, cung bậc cảm xúc nào thì tôi vẫn ghi nhận với thái độ cầu thị nghiêm túc và mong sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Bởi vì, những trao đổi, tâm sự, bày tỏ nỗi niềm ấy đã gửi gắm nhiều ý tưởng tốt, xây dựng, góp phần giúp cho cá nhân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm thông tin, có thêm tư duy mới. Đó là kho tàng to lớn về trí tuệ, kinh nghiệm, vốn sống và tôi luôn trân trọng.

Thưa Chủ tịch nước, bước sang năm mới Quý Tỵ, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến toàn thể nhân dân?

Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển ngày càng bền vững hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong 2 năm qua, kể cả năm 2013, chúng ta vẫn phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước; nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau. Vì thế, tôi mong rằng đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để thực hiện tốt, thành công những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tôi tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc, đất nước ta hoà bình, thịnh vượng...

Nhân dịp năm mới, tôi chúc đồng bào, đồng chí vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc, an lành. Chúc đất nước ta sang năm mới nhiều thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem