Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng Nông nghiệp là người dám đương đầu

Minh Huệ Thứ ba, ngày 13/06/2017 14:51 PM (GMT+7)
Mặc dù là lần đầu tiên trả lời chất vấn, nhưng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc các vấn đề của ngành. Đặc biệt, Bộ trưởng là người dám đương đầu, thẳng thắn nhận trách nhiệm.
Bình luận 0

Clip: Chủ tịch Quốc Hội khen ngợi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

43 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng NNPTNT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kết luận như trên khi đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại Quốc hội từ sáng tới đầu giờ chiều hôm nay (13.6).

Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Phần trả lời của Bộ trưởng đã làm thỏa mãn các vấn đề mà cử tri quan tâm, nhiều ĐB Quốc hội cũng đồng ý với phần trả lời của Bộ trưởng. "Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, đài, báo trưa nay, tôi thấy dư luận, cử tri cả nước đánh giá rất cao phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường"- Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

img

Các đại biểu nghe trả lời chất vấn.

Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 13.6 đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 11 đại biểu tranh luận lại và 22 đại biểu chưa được hỏi do đã hết thời gian.

Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phiên chất vấn đã diễn ra với tinh thần sôi nổi, thẳng thắn, đạt yêu cầu đề ra.

Bà Ngân nhấn mạnh, đây không phải lần đầu tiên Quốc hội dành thời gian để các lãnh đạo ngành nông nghiệp trả lời những vấn đề nóng của lĩnh vực mình. Tại kỳ họp lần này, việc Quốc hội dành phiên chất vấn đầu tiên để Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đăng đàn cũng thể hiện sự quan tâm, quan trọng của cử tri với những vấn đề nóng trong nông nghiệp.

"Bộ trưởng đã nắm rõ tình hình, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm làm rõ vấn đề cũng như đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập của ngành", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành nông nghiệp thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp đột phá, căn cơ. Ví dụ như tập trung giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Lãnh đạo ngành cũng cần hoàn thành hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố về bộ tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là hoàn thiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, nhất là chế biến sâu… 

Chính phủ cũng cần nhanh chóng hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công Thương sang Bộ Nông nghiệp, trong đó có ban hành Nghị định về quản lý phân bón. Cơ quan chức năng cũng phải tăng cường điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thuỷ sản, kiểm tra kiểm soát xử lý nghiêm các hoạt động khai thác thuỷ sản...

Tích tụ ruộng đất nhưng không làm bần cùng hóa nông dân

Tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội vào đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nói về chính sách tín dụng cho ngành nông nghiệp, cũng như khẳng định về sự cần thiết của việc tích tụ ruộng đất, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu (ĐB) Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) hỏi: Nếu có gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân? Vấn đề thứ 2 tôi muốn hỏi Bộ trưởng, đó là bao giờ ngành mía đường mới được cơ cấu lại và Bộ có giải pháp gì để khuyến khích chế biến các sản phẩm phụ của ngành này?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Tôi xin đính chính lại là Chính phủ không có gói nào 20.000 tỉ đồng, không có gói nào dùng ngân sách hỗ trợ tín dụng. Chỉ có gói 100.000 tỉ đồng Chính phủ đề nghị các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó đại biểu nêu con số 20.000 tỉ đồng thì chắc là tiến độ giải ngân của gói 100.000 tỉ đồng”.

"Còn về việc tái cơ cấu ngành mía đường, đây là vấn đề cần phải quan tâm, vì hiện nay chúng ta đang có khoảng 300.000ha mía, sản lượng 5,4 triệu tấn, mặc dù sản lượng không lớn nhưng có vai trò quan trọng tới an ninh lương thực nên phải quan tâm, phải thực hiện tái cơ cấu ngành này. Cả nước hiện có hơn 40 nhà máy sản xuất mía đường, nhưng mới có một số nơi làm tốt, vẫn có nhiều nơi làm chưa tốt" - Bộ trưởng Cường nói.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tiếp tục hỏi: Tích tụ ruộng đất là biện pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp, tuy nhiên thời gian qua việc triển khai còn khó khăn. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này và giải pháp nào quan trọng nhất để đẩy nhanh tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho sản xuất mà không khiến người nông dân bị tổn thương? Làm thế nào để vừa có giải pháp tích tụ vừa không để người dân bị bần cùng hoá?

Thứ hai, tôi vừa xem một phóng sự trên truyền hình sáng nay, trong đó phản ánh chúng ta là nước nông nghiệp mà vẫn phải bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ đồng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, vậy Bộ trưởng có giải pháp nào để hạn chế nhập khẩu những nguyên liệu mà trong nước có thể tự sản xuất được?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, quan điểm của Bộ NNPTNT về tích tụ ruộng đất là chủ trương khuyến khích tiến tới nền nông nghiệp tập trung, nhưng phải chung mục tiêu không để nông dân mất việc làm. Chúng ta tích tụ nhưng phải có giải pháp chuyển đổi lao động nông nghiệp sang khu vực khác có thu nhập cao hơn. Thực tế là trong 30 năm qua, chúng ta đã chuyển dịch được 70% số lượng lao động nông nghiệp sang các ngành khác.

"Thủ tướng đang giao các bộ chức năng nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa Luật Đất đai. Nhưng quan điểm rõ ràng tích tụ ruộng đất thì không để nông dân mất việc làm. Luật chúng ta quy định là đất nông nghiệp giao ổn định, lâu dài cho người dân. Chính vì vậy, muốn tích tụ phải trên cơ sở tự nguyện giao dịch, tự nguyện chuyển đổi, không ai được tước quyền sở hữu đất của nông dân" - Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Cường cho biết thêm: "Vừa qua chính quyền ở một số nơi đã chủ động, tích cực cùng với người dân, doanh nghiệp thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất hiệu quả. Ví dụ anh Phạm Năng Thành ở Hưng Yên đã tích tụ đất trồng chuối lên tới mấy chục ha. Chuối của anh Thành xuất khẩu có giá trung bình 10.000 đồng/kg, trong khi người dân sản xuất nhỏ lẻ chỉ bán được với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tôi cũng có hỏi anh Thành làm lớn như vậy có kham nổi không thì anh cho biết, hiện anh không đủ đơn hàng cung ứng xuất khẩu vì có những đơn hàng quá lớn, anh chưa đủ sức làm".

Bộ trưởng Cường cũng nhấn mạnh thêm, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tập trung nhiều đất, vì hiện nay đất đai chỉ là 1 phần quyết định đến sản xuất, trên đất còn nhiều yếu tố khác như máy móc, công nghệ. Diện tích đất nhỏ nhưng nếu áp dụng công nghệ cao, đầu tư hợp lý thì vẫn hiệu quả.

Clip: Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem