Sáng 16/7, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị kỳ họp thứ 8 vào cuối năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, kỳ họp vừa qua (từ 20/5 đến 14/6) đại biểu vắng mặt rất nhiều. "Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, thậm chí có ngày vắng tới 100 đại biểu", bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Theo bà Ngân, qua quan sát Quốc hội nhiều nước cho thấy khi biểu quyết và thảo luận những vấn đề quan trọng, các đại biểu đều cố gắng đến để tham gia đầy đủ. Thậm chí, ở Australia, khi đại biểu Quốc hội đang tiếp khách quốc tế thì đã phải xin lỗi dừng lại để thực hiện quyền biểu quyết của mình, xong rồi mới quay lại việc tiếp khách.
"Tôi đề nghị rút kinh nghiệm vì kỳ này đại biểu vắng nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp từ trước đến nay", bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị "các đại biểu đi họp đầy đủ".
Bà Nga dẫn báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội cho thấy trường hợp một đoàn đại biểu Quốc hội vắng tới 13 đại biểu trong phiên họp. Theo bà, việc này sẽ khiến "cử tri nhìn vào rất khó coi, cho rằng đại biểu họp không nghiêm túc".
Trước đó, trình bày dự thảo báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, nội dung kỳ họp nhìn chung được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, giảm đáng kể việc đóng dấu "mật" một số tài liệu không thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, ông Phúc cho hay, tài liệu một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định trên nghị trường.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phải đổi mới trong cách làm báo cáo, cần mạnh mẽ hơn vì vừa qua các báo cáo vẫn "hồng quá, lạc quan quá". "Tôi thấy tình hình đất nước, xã hội bao nhiêu chuyện đang diễn ra, có những vấn đề rất nóng nhưng báo cáo của chúng ta vẫn êm ả", ông Lưu nói.
Ông Lưu cũng đề nghị phải thông tin sớm cho báo chí về những vấn đề Quốc hội, Chính phủ đang bàn, tránh việc "dư luận nêu vấn đề này kia" thì cơ quan chức năng mới bắt đầu giải thích.
"Ví dụ đường sắt cao tốc Bắc Nam, có nhiều người nói tại sao Chính phủ chỉ đạo mà một Bộ đưa ra phương án 26 tỷ USD, một Bộ lại trình 58,7 tỉ USD, dư luận rất băn khoăn", ông Lưu nói.
Hoàng Thùy (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.