Chủ tịch Quốc hội nêu 3 đề xuất để IPU hoạt động tốt hơn nữa
Chủ tịch Quốc hội nêu 3 đề xuất để IPU hoạt động hiệu quả hơn
P.V
Thứ hai, ngày 06/09/2021 20:01 PM (GMT+7)
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarta Pacheco, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu 3 đề xuất để IPU hoạt động tốt hơn nữa.
Nhân dịp dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, trưa 6/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarta Pacheco.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch IPU bày tỏ ấn tượng với Đại hội đồng IPU lần thứ 132 được tổ chức vào năm 2015 tại Hà Nội và cho rằng đây là thành công to lớn của IPU, đánh giá cao đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong việc chủ trì và phối hợp IPU thông qua Tuyên bố Hà Nội năm 2015 về "Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Biến lời nói thành hành động", tạo bước chuyển lớn trong nhận thức và hoạt động của IPU.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao thành công và tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch IPU Duarta Pachecotrong điều hành và tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 142 vào tháng 4/2021 theo hình thức trực tuyến, cũng như tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 trực tiếp tại Áo lần này.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng trong ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế; đồng thời là cơ hội tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động, thực tiễn tốt của các Nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; thông qua các đạo luật; thẩm tra và phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế có liên quan; thông qua các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững. Đặc biệt là Quốc hội Việt Nam đã kịp thời hành động, thông qua Nghị quyết tạo khung khổ pháp lý cho Chính phủ chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội nêu 3 đề xuất để IPU trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nữa: Thứ nhất, tích cựcthúc đẩy những sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, nhất là phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, đảm bảo lợi ích chung của các Nghị viện thành viên, đóng góp vào sự phát triển của ngoại giao nghị viện thế giới, củng cố hợp tác đa phương.
Thứ hai, thúc đẩy Ban Thư ký IPU triển khai dự án hợp tác 3 bên giữa Nghị viện thành viên-IPU và Liên hợp quốc để hỗ trợ và tạo điều kiện để Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, nhất là trong vấn đề phát triển bền vững, giảm nghèo, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức các hội nghị chuyên đề theo đề nghị của IPU coi đây là cơ hội vừa hỗ trợ IPU vừa nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm.
Bày tỏ nhất trí với các đề xuất, Chủ tịch IPU Duarta Pacheco khẳng định sẵn sàng đến Hà Nội trao đổi trực tiếp, cụ thể để triển khai sáng kiến của Việt Nam, trong đó có việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị khu vực về các mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi kinh tế, hội nghị toàn cầu các nghị sỹ trẻ… giữa các kỳ đại hội đồng IPU.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.