Bị "xoay" về nhà ở cho người lao động, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Còn nhiều dự án dở dang, tháo gỡ dần

Bạch Dương Thứ năm, ngày 07/12/2023 17:02 PM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn chiều 7/12 tại kỳ họp 13 HĐND TP.HCM khoá X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời các vấn đề về xã hội, dân sinh.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM bị "xoay" về nhà ở người lao động, lấn chiếm vỉa hè… - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Nhân

Nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM rất lớn

Đại biểu Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đặt câu hỏi về công tác phát triển nhà ở. Theo bà Thuý, theo công bố khảo sát nhu cầu nhà ở đối với 96.000 người thì 51.000 người có nhu cầu thuê nhà, 29.000 người mua nhà. Điều đó có nghĩa phần lớn người dân có nhu cầu thuê nhà, vậy TP.HCM đã có giải pháp gì để người lao động có thu nhập thấp thuê được nhà ở?

Ngoài ra, trên địa bàn còn nhiều dự án dở dang, kéo dài, chậm tiến độ hàng chục năm, trách nhiệm và giải pháp của người đứng đầu chính quyền thành phố trong việc đưa ra giải pháp, định hướng để khắc phục tồn tại này?

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đồng tình, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM là rất lớn. Những người có thu nhập thấp muốn thuê nhà vài triệu đồng mỗi tháng để cân đối thu nhập. Mặt khác, số nhà ở đang xây dang dở hoặc đã hoàn thiện mà chưa có người ở cũng rất lớn.

"Khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, TP.HCM đã xác định vấn đề này. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho thuê có nhiều điều kiện ràng buộc, cơ chế, chính sách lợi nhuận chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư", ông Mãi nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, TP.HCM chỉ có thể sử dụng một phần ngân sách để giải quyết nhu cầu này của người dân chứ không thể dành toàn bộ. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, 6.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024.

Hiện TP.HCM mỗi tuần đều họp, lắng nghe, tháo gỡ từng dự án. Trong năm 2024, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì sẽ có 10 dự án được triển khai.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương về việc lấn chiếm vỉa hè tràn lan và không quản lý được, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố triển khai như thế nào, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM không cấm buôn bán, sử dụng lòng đường, hè phố nhưng cần phải tổ chức phù hợp để đảm bảo được sinh kế của dân mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

TP.HCM đã có những văn bản chỉ đạo về việc này, đồng thời đã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 15 năm 2023 của HĐND TP.HCM về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

UBND TP.HCM đang chỉ đạo các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát lại, theo đó TP.HCM có hơn 700km đường đô thị có vỉa hè rộng trên tinh thần lựa chọn đoạn đường phù hợp để khai thác, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Song song đó, TP.HCM cũng sẽ ứng dụng công nghệ để quản lý, thu phí, cấp phép, kết hợp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem