Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Bốn yếu tố trọng tâm của kinh tế xanh
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nêu bật 4 yếu tố trọng tâm của kinh tế xanh thành phố
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 14/09/2023 16:14 PM (GMT+7)
Chiều 14/9, lãnh đạo TP.HCM đã gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn trong chương trình CEO 100 Tea Connect. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023.
Buổi lễ được mở đầu bằng nghi thức mời trà, thưởng thức trà Việt. Theo Ban tổ chức, thông qua trà Việt, TP.HCM mong muốn gửi gắm lời chào mừng nồng nhiệt và chân thành, đồng thời mong muốn tạo sân chơi chung giữa thành phố và các đối tác quốc tế. Các đối tác quốc tế tham dự sẽ là những người bạn cùng đồng hành với TP.HCM trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, TP.HCM là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam. TP luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp của TP và doanh nghiệp bên ngoài đến với TP.HCM.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Đeer ứng phó với những thách thức này, TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. TP rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới net zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0).
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vào 4 nội dung trọng tâm: Nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, hợp tác quốc tế); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh) và ngành nghề tiên phong chuyển đổi xanh gồm sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.
Cụ thể hơn, ông Mãi cho biết, hiện nay điện sạch của TP.HCM chỉ đạt 7,6%, mục tiêu của TP đến 2025 đạt 25% và 2030 đạt 35%-40% điện sạch. Vấn đề đặt ra là chính sách, thể chế, vốn và công nghệ.
Giao thông đường bộ đang chiếm 18% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Hệ thống giao thông nội đô TP.HCM đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy, vì thế cần tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Nghị quyết 98 cho phép TPHCM được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon. Đây là vấn đề mới rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Về thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn xây dựng Cần Giờ như địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện, không phát thải nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Chúng tôi tin rằng, chúng ta có mặt ở đây và đang đi bước đi đầu tiên đó. TP.HCM mong được nghe đề xuất, sáng kiến cụ thể từ các vị đại biểu và mong tiếp tục hợp tác trong hành trình xanh hướng đến tương lai, phát triển bền vững", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.