Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp nước ngoài là hoạt động thường niên của TP.HCM. Ảnh: Thuận Hải
Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp nước ngoài là hoạt động thường niên. Chủ đề của Hội nghị năm nay là đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững.
Hưởng ứng tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, thành phố xác định 5 định hướng lớn:
Thứ nhất, bảo đảm sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra; trong năm 2018 và các năm tiếp theo nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Thuận Hải
Về thuế, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 90%.
Về hải quan, giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Về đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với tổ chức và doanh nghiệp.
Về đầu tư, họp Tổ công tác liên ngành về đầu tư ngay khi có dự án đầu tư vào thành phố. Đây là Tổ công tác đặc biệt của thành phố do Chủ tịch thành phố làm Tổ trưởng.
“Tổ công tác này là mô hình là đầu tiên của cả nước và chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư của doanh nghiệp cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động, kể cả hỗ trợ thông tin quy hoạch để lập dự án chuẩn bị đầu tư và liên hệ các bộ ngành Trung ương”, Chủ tịch Phong nhấn mạnh.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác và không cần nộp hồ sơ tại bất kỳ cơ quan nào khác. Tổ công tác đã đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định.
TP.HCM sẽ tiếp cải thiện đầu tư logistics. Ảnh: Thuận Hải
Thứ hai, thành phố sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ nỗ lực giải quyết 2 vấn đề lớn mà các nhà đầu tư quan tâm: Xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phát sinh thêm. Dự kiến thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.
Thứ ba, quan điểm xuyên suốt của thành phố là mọi doanh nghiệp, dù là kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài đều bình đằng trước pháp luật; thành phố cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; công tác thanh tra, kiểm tra lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra 1 lần trong năm.
Thứ tư, thành phố cam kết giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp. Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận; tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị và phản hồi đến từng doanh nghiệp.
TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hạ tầng giao thông, giải quyết vấn nạn ngập nước kẹt xe. Ảnh: Thuận Hải
Thứ năm, tất cả các cơ chế, chính sách đặc thù thành phố đang nghiên cứu và triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa, cũng như không tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Thành Phong mong muốn các doanh nghiệp có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của thành phố; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội; chung tay cùng với thành phố bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường.
Doanh nghiệp nước ngoài có những đóng góp quan trọng đối của với kinh tế - xã hội của thành phố. Ảnh: Thuận Hải
Thành phố cũng mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư đối với 7 chương trình đột phá của thành phố; đầu tư vào các dự án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; các dự án xây dựng khu đô thị sáng tạo và 127 dự án trọng điểm.
“Chúng tôi tin tưởng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đóng góp nhiều hơn nữa và sẽ tiếp tục đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành một thành phố phát triển năng động, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Chủ tịch Phong chia sẻ.
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành một Thành phố phát triển năng động, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, Ảnh: Thuận Hải
UBND thành phố đánh giá cao những đóng góp quan trọng đối của doanh nghiệp nước ngoài với kinh tế - xã hội của thành phố. Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% GDP năm 1995 đến năm 2010 đã tăng lên 22,9% và hiện nay đang đóng góp 17% GRDP của thành phố. Đối với kim ngạch xuất khẩu, năm 1995, doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 8,8%, thì đến năm 2010 đă tăng lên 23,9% và hiện nay là 55,9%.
Ngoài việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội, doanh nghiệp nước ngoài còn tạo ra công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp; thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.