Chủ tịch VCCI "bật mí" về 60 doanh nhân tiêu biểu năm 2022
Chủ tịch VCCI "bật mí" về 60 doanh nhân tiêu biểu năm 2022
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 06/10/2022 13:08 PM (GMT+7)
Trong top 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 và người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988, có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%. Danh sách sẽ được VCCI công bố vào ngày 12/10, nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Đó là thông tin được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại buổi họp báo Công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh, trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 do VCCI tổ chức sáng nay (6/10).
Chủ tịch VCCI cho biết, 60 doanh nhân tiêu biểu được bình xét, lựa chọn từ 211 đề cử từ các địa phương, các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan báo chí. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 (82 tuổi), người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988 (34 tuổi), có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%.
"Trong 60 gương mặt doanh nhân tiêu biểu, có doanh nhân năm nay tuổi cao, có nhiều năm lăn lộn trên thương trường nhưng vẫn nhiều nhiệt huyết; có doanh nhân trẻ hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành công nghệ thông tin chủ yếu làm việc với đối tác nước ngoài" - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin thêm.
Đề cập về quy trình bình xét, ông Công cho biết, quy trình bình xét năm nay được tổ chức chặt chẽ, công phu thông qua 5 bước và 2 vòng bình xét sơ tuyển và chung tuyển, đồng thời có thêm việc thẩm định thực tế. VCCI không nhận hồ sơ trực tiếp từ doanh nhân.
Đánh giá về chất lượng hồ sơ tham gia bình xét, Chủ tịch VCCI thông tin, chất lượng cao hơn các kỳ trước, phần lớn doanh nghiệp đều có hồ sơ kiểm toán đi kèm, thể hiện tính minh bạch và quản trị ngày càng chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp, doanh nhân, ông Công cho biết, Ban thư ký cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do ứng viên lãnh đạo, quản lý, đồng thời cũng rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng Internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp để tham khảo.
Đây cũng là năm đầu tiên trong bình xét danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" có vinh danh TOP10 doanh nhân tiêu biểu nhất, tổng hợp doanh nghiệp của các doanh nhân TOP10 trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng, có doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động trực tiếp.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020 – 2021, các doanh nghiệp và cả đất nước phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, tổn thất về con người và kinh tế là vô cùng lớn. Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch của cả nước.
"Có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình đã ủng hộ trị giá tới trên 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống đại dịch", Chủ tịch VCCI thông tin.
Căn cứ đề nghị của Hội đồng bình xét, VCCI cũng sẽ tuyên dương 6 doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích, đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống đại dịch Covid- 19.
"Chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững. Đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn", lãnh đạo VCCI nhấn mạnh.
Cùng với Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022, ngày 11/10, VCCI phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới" nhằm thúc đẩy, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh, có đức có tài bắt đầu bằng đạo đức doanh nhân.
Đạo đức doanh nhân không chỉ đem lại giá trị và tạo nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá, tạo sự hấp dẫn cho môi trường kinh doanh. Các đối tác đều muốn hợp tác với doanh nhân có đạo đức, người dân đều mong muốn được tiêu dùng các hàng hoá, sản phẩm được sản xuất bởi doanh nhân có đạo đức.
Danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" là danh hiệu cao quý quốc gia được trao tặng cho các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững.
Đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn. Năm nay Chương trình cũng có biểu trưng mới với các cánh hướng lên cao, lấy cảm hứng từ vương miện của vua Hùng, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý chí vươn lên của doanh nhân Việt Nam. Biểu trưng có 6 cánh biểu tượng cho 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.