Chưa có Luật biểu tình, Nhà nước còn nợ Nhân dân

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 26/07/2016 13:06 PM (GMT+7)
Sáng 26.7, thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề đã cập đến việc cần sớm có Luật biểu tình.
Bình luận 0

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng: Việc ban hành Luật biểu tình nhằm triển khai Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Quyền biểu tình gọi chính xác theo công ước quốc tế là việc tụ họp hòa bình, nhiều nước cũng sử dụng cụm từ này, Hiến pháp năm 1946 khi chưa có công ước về quyền con người thì dùng từ quyền hội họp.

"Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chủ tịch đã ra sắc lệnh giữ lại quyền biểu tình, người dân muốn biểu tình chỉ cần xin phép chính quyền địa phương trước 2 ngày. Biểu tình cần được hiểu theo nghĩa rộng theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là tụ họp hòa bình: bao gồm tụ họp văn hóa thể thao, du lịch; tụ họp để bày tỏ nhu cầu, chính kiến, nguyện vọng… Tính công khai và tập trung là hai đặc trưng chủ yếu của quyền này, không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của xã hội và đất nước” – ĐB Nghĩa phân tích.

img

ĐB Trương Trọng Nghĩa.

ĐB Nghĩa nói thêm, biểu tình là quyền được quy định của Hiến pháp, nên trước hết  phải làm luật để tạo hành lang cho Nhân dân thực hiện quyền này, Nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây từng nhấn mạnh, chúng ta vẫn hạn chế quyền con người, trong đó có quyền biểu tình, bằng văn bản dưới luật như hiện nay là trái với Hiến pháp.

ĐB Nghĩa cũng chỉ rõ, cần phân biệt rõ những người lợi dụng biểu tình để chống phá nhà nước, gây mất an toàn, an ninh quốc gia với đa số những người yêu nước có trách nhiệm với xã hội thực hiện quyền hiến định của mình. “Đề nghị đưa dự án Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 4 năm 2017 và thông qua vào kỳ họp 5 hoặc 6 vào năm 2018. Từ kinh nghiệm quốc tế cùng với kinh nghiệm xử lý biểu tình chúng ta cũng đã có, với trình độ của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, cộng thêm nhiều chuyên gia pháp lý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể trả món nợ này cho Nhân dân” – ĐB Nghĩa bày tỏ.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội. Do đó, câu hỏi nêu trên phải được trả lời rõ ràng, minh bạch.

Giải thích về vấn đề này, ĐB Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay: Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và thông qua tại kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật này là gây khó cho Bộ Công an. Do đó, ông  đề nghị giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Bộ Công an chỉ tham gia phản biện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem