Chùa nơi ông Thích Chân Quang trụ trì để xảy ra vi phạm xây dựng trong thời gian dài ra sao?
Chùa nơi ông Thích Chân Quang trụ trì để xảy ra vi phạm xây dựng trong thời gian dài ra sao?
Xuân Huy
Thứ tư, ngày 28/08/2024 18:43 PM (GMT+7)
Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018, chùa Phật Quang đã có hàng loạt vi phạm về xây dựng và đất đai. Trong đó, có 35/36 công trình xây dựng không được cơ quan chức năng cấp phép.
Ngày 28/8, trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Duy Bắc cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản liên quan đến công trình vi phạm tại chùa Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ), nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì.
Vị này cho biết thêm, UBND thị xã Phú Mỹ cũng đã ra quyết định cưỡng chế công trình vi phạm đối với chùa Phật Quang.
Liên quan việc xây dựng, lấn chiếm rừng phòng hộ của chùa Phật Quang, tháng 3/2024, UBND thị xã Phú Mỹ ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm do ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) làm trụ trì.
Chùa Phật Quang (còn gọi là Thiền Tôn Phật Quang) nằm trên ngọn núi Dinh thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1992, ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) về chùa Phật Quang và trở thành trụ trì ngôi chùa này cho tới nay. Năm 2007, ông Thích Chân Quang được tấn phong làm Thượng tọa. Ngôi chùa này từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó, công trình này bị cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt vi phạm về xây dựng và đất đai. Cụ thể, năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Hàng loạt công trình xây dựng của chùa Phật Quang không được cấp phép xây dựng
Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, năm 2017, chùa Phật Quang đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa. Tuy nhiên, diện tích đất mà chùa Phật Quang sử dụng tại khu vực núi Dinh, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) nằm trong tổng diện tích 17.928ha đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao Lâm trường Châu Thành quản lý từ năm 1978.
Thời điểm này, thị trấn Phú Mỹ là xã Phú Mỹ thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, đất thuộc đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý, trước thời điểm sử dụng đất của chùa, không phải là đất của dân đang sử dụng hợp pháp.
"Chùa Phật Quang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích khoảng 19ha tại khu vực núi Dinh mà chùa cho rằng nhận chuyển nhượng từ các hộ dân là không có cơ sở giải quyết, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các hồ sơ tài liệu do ông Vương Tấn Việt cung cấp thì Đơn xin khai phá của 4 hộ dân năm 1991 và các đơn xin sang nhượng đất rẫy của các hộ dân vào năm 1992 là trái với quy định pháp luật và không có giá trị pháp lý", thông báo Kết luận thanh tra nêu.
Theo Kết luận thanh tra, trong tổng số 36 công trình chùa xây dựng trên đất thì công trình Chánh điện được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228m, nhưng thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m.
"Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng này không đảm bảo quy hoạch tại khu vực núi Dinh vào thời điểm đó đúng theo quy định tại điểm 4.1 mục 4 phần I Thông tư liên tịch số 09/1999/TTLTBXD-TCĐC ngày 10/12/1999 của Bộ Xây dựng, Tổng cục Địa chính về hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng có quy định về căn cứ để cấp giấy phép xây dựng, do vậy việc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng này là có sai sót", trích Kết luận thanh tra.
Đối với 35 công trình còn lại, Kết luận thanh tra chỉ rõ, các công trình này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng, trong đó có nhiều công trình lớn, kiên cố như là đường giao thông trải nhựa, diện tích khoảng 3.500m2.
"Hiện nay, diện tích xây dựng các công trình và đường giao thông là 25.692,5m2 nằm trong tổng diện tích đất khuôn viên chùa đang sử dụng là 40.170,1m2. Điều đó thấy rằng đã có một phần diện tích rừng phòng hộ rất lớn bị phá, sử dụng đất sai mục đích và xây dựng nhiều công trình không phép", nội dung kết luận tại thời điểm năm 2018.
Hàng chục lần lập biên bản và ra quyết định xử phạt
Trong quá trình chùa Phật Quang xây dựng các công trình không phép trên đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
"Đại diện chùa không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mà vẫn tiếp tục xây dựng, thể hiện sự không chấp hành pháp luật về xây dựng, không chấp hành các văn bản quản lý của cơ quan chức năng. Do vậy, cần thiết xử lý tháo dỡ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý xây dựng không phép của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn", Kết luận thanh tra nêu rõ.
Đối với việc xây dựng không phép của chùa Phật Quang, Kết luận thanh tra năm 2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, giao UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) rà soát lại quá trình xử lý vi phạm hành chính đối với tất cả các công trình xây dựng của chùa, để thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình này đúng theo quy định pháp luật.
Nhiều sở, ngành có vi phạm do liên quan đến sai phạm của chùa Phật Quang
Ngoài ra, tỉnh này cũng đề nghị xử lý trách nhiệm của hàng loạt các đơn vị, cá nhân. Cụ thể, giao Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ); Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ); Chủ tịch UBND xã Tân Hòa và Chủ tịch UBND xã Tân Hải làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm đúng mức đối với các khuyết điểm, vi phạm của cá nhân tại đơn vị liên quan đến các vi phạm của chùa.
Kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) tổ chức kiểm điểm đúng mức đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hội Bài giai đoạn năm 1991, hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy.
Tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) chỉ đạo hủy việc UBND xã Hội Bài trước đây ký xác nhận vào Đơn xin khai phá của 4 hộ dân (ngày 11/3/1991) và các đơn xin sang nhượng đất rẫy của các hộ dân vào năm 1992.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện huyện Tân Thành (nay là UBND thị xã Phú Mỹ) và UBND xã Tân Hòa điều chỉnh tên ông Vương Tấn Việt trong sổ mục kê 3 cấp (tỉnh, huyện và xã) đối với thửa số 13 diện tích 133m2 thuộc tờ bản đồ số 30 xã Tân Hòa thành tên Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh đối với thửa đất này.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, những hạng mục này vẫn tiếp tục được tồn tại, không bị phá dỡ theo đúng quy định của pháp luật.
Thích Chân Quang tên thật là Vương Tấn Việt, 65 tuổi, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, từng là Phó Trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thời gian qua, ông Việt dính lùm xùm khi ông tốt nghiệp văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học Trường Đại học Luật Hà Nội loại giỏi năm 2019. Sau đó, ông đủ điều kiện để làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Luật. Đầu năm 2022, ông Việt được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tiến sĩ sau thời gian học tập từ cử nhân lên tiến sĩ là 2 năm 3 tháng.
Mới đây nhất, Sở GDĐT TP.HCM xác nhận ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GDĐT TP.HCM.
Ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GDĐT TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.