Chưa quy định rõ trách nhiệm, thiếu thực tiễn

Thứ ba, ngày 26/11/2013 11:45 AM (GMT+7)
Thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ngày 25.11, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo luật có quá nhiều điều khoản mang tính chung chung, thiếu chiều sâu, không quy rõ trách nhiệm...
Bình luận 0
Lờ mờ trách nhiệm cá nhân

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu rõ: Phải thể chế hóa chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và phải thực hiện theo phương châm áp dụng từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó cần gắn kết chính sách này với hệ thống pháp luật hiện hành. “Tổng kết về luật trong 8 năm qua đã chỉ rõ những yếu kém về phân công quản lý nhà nước, trong đó có nhiều quy định chồng chéo và còn xung đột. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường là linh hồn của luật và cần phải được quy định rõ trong khi vấn đề này còn chung chung”.

Ông Vở cũng nói thẳng, cần quy định rõ hơn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu về bảo vệ môi trường, không thể nửa vời theo kiểu ở T.Ư là bộ trưởng, ở địa phương là UBND các cấp. Dự án luật cần thể hiện rõ thẩm quyền giữa quy hoạch bảo vệ môi trường với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch phát triển rừng, không thể để quy hoạch thủy điện tràn lan rồi sau đó đùn đẩy trách nhiệm.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu thảo luận.

Đồng tình, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị: “Quy định về xã hội hóa trong bảo vệ môi trường phải được luật hóa để tránh sự tùy tiện. Xung quanh vấn đề này, hình ảnh của cộng đồng còn mờ nhạt, chưa rõ”. Cho rằng cần bổ sung các điều luật về xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, ông Vẻ nhấn mạnh về việc các tổ chức, cá nhân tham gia sẽ có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi gì, đồng thời trách nhiệm của các bộ, ngành ra sao trong việc cung cấp tài chính, kỹ thuật...

Lấy ví dụ về quản lý rác thải do Bộ TNMT chịu trách nhiệm, còn Bộ NNPTNT thì không, dẫn đến những bất cập về rác thải nông thôn, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho biết: “Nếu cứ chồng chéo như thế này thì ai chịu trách nhiệm? Muốn giải quyết bất cập cần phải có định hướng, chiến lược cụ thể”.

Luật không rõ thì thiếu tính khả thi

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho biết: “Công tác quy hoạch về bảo vệ môi trường rất quan trọng. Nhưng cần phải có quy hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước. Xây dựng quy hoạch cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương”. Ông Lâm đề nghị công tác quy hoạch bảo vệ môi trường phải được xây dựng dựa trên các quy hoạch khác và phải thực hiện theo hai cấp tỉnh/ thành phố và cấp vùng. Bên cạnh đó, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tuy là vấn đề quan trọng nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém do không chỉ rõ được những điểm cần khắc phục.

Cấm đưa đất từ nước ngoài vào Việt Nam

Ngày 25.11, với tỷ lệ 87,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015). Luật quy định cấm đưa đất từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NNPTNT (như dùng để nghiên cứu khoa học, quà tặng mang tính chất ngoại giao….) là hợp lý.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Tiếp công dân.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) bày tỏ: “Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập, chưa gắn với bảo vệ môi trường. Quy định chung chung thì rất khó áp dụng vào thực tiễn”.

Bà Thúy cũng cho biết thêm, vấn đề về biến đổi khí hậu chưa được đề cập thấu đáo trong khi các cơn bão lớn xảy ra liên tiếp vừa qua như một hồi chuông cảnh báo xung quanh việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Vấn đề này cần phải có quy định rõ ràng trong luật. Khi chưa có luật riêng thì cần thiết kế một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu” - bà Thúy khẳng định.

Xung quanh việc đánh giá tác động môi trường, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) chia sẻ: “Nên bổ sung trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người phê duyệt đánh giá tác động môi trường, bởi việc đánh giá này nếu không cẩn thận sẽ thiếu tính khách quan nên tính phản biện là rất quan trọng”.

Ông Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao: Cần có để đảm bảo công bằng

Hiện 5% số người trong độ tuổi quy định đi nghĩa vụ quân sự, còn 95% khác thì không làm gì thì công bằng xã hội ở đâu? Trong thời hòa bình không phải ai đến độ tuổi đều phải đi NVQS. Nhưng đừng đặt vấn đề lựa chọn anh có tiền, anh nộp thì không phải đi, như thế là hiểu chưa đúng. Anh không đi NVQS được, Tổ quốc chưa cần thì anh phải có nghĩa vụ thay thế. Nhưng nghĩa vụ đầu tiên phải là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Để đảm bảo công bằng thì anh phải thực hiện nghĩa vụ thay thế khác, hoặc lao động công ích, hoặc cũng có thể đóng góp bằng tiền, để xây dựng, đầu tư nền quốc phòng...


Ông Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng - An ninh: Không chỉ là tiền...


Mỗi năm có đến 1 triệu thanh niên đến tuổi phải làm NVQS, nhưng quân đội, công an chỉ tuyển một phần nhỏ trong số đó. Vậy số người còn lại người ta nghĩ thế nào? Sự công bằng ở đâu? Tôi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người nói ông nhà bên cạnh đi buôn, đi học không phải thực hiện NVQS, trong khi con cái họ thì phải đi. Nghĩa vụ thay thế không chỉ là tiền mà còn rất nhiều vấn đề khác. Ở nước ngoài, người ta có thể làm công ích hay việc gì đó để chia sẻ vì đó là nhiệm vụ chung.
Lương Kết (ghi)

Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem