Chương trình FFF II giúp nông dân Yên Bái trồng rừng, trồng cả cây dược liệu quý lá to đùng
Chương trình FFF II hỗ trợ nông dân trồng rừng ở Yên Bái như thế nào?
Hoàng Hữu
Thứ năm, ngày 09/01/2025 08:35 AM (GMT+7)
Sau 5 năm triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông Lương Liên hợp Quốc (FAO) tài trợ triển khai thông qua Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tại tỉnh Yên Bái đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng trong cộng đồng.
Tại Yên Bái, Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại FFF (Chương trình FFF) giai đoạn II đã tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng mục tiêu chính giúp người sản xuất rừng và trang trại trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Được Chương trình FFF giai đoạn II và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, hộ gia đình anh Vũ Hồng Lực và chị Hà Thị Nhung, thôn Quang Vinh (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) nhận được 500 cây giống tre măng Bát Độ, nguồn giống hỗ trợ được cung chuyển đến cho các hộ đúng thời vụ, từ đó người dân trồng vào dịp thời tiết thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.
Chị Hà Thị Nhung, thôn Quang Vinh (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: "Cây tre măng bát độ đang là cây mũi nhọn của xã, người dân phát triển kinh tế rất tốt từ cây măng bát độ này. Là hộ dân được nhận giống đầu tiên của xã Hưng Thịnh của chương trình FFF II tôi sẽ cố gắng chăm sóc cây phát triển thật tốt".
Cũng từ sự hỗ trợ của Chương trình FFF giai đoạn II, gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa tại thôn Khang Chính (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) được hỗ trợ trên 1.000 củ giống thiên niên kiện. Là hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng thiên niên kiện dưới tán rừng, nay Chương trình hỗ trợ củ giống sẽ giúp anh Nghĩa mở rộng thêm diện tích, nâng cao thu nhập. Theo tính toán, cây thiên niên kiện sẽ cho thu hoạch sau 3 năm trồng, thu nhập từ 45 – 50 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác.
"Mình tận dụng được đất dưới tán cây rừng, xen canh vào những cây như quế, bồ đề, mỡ cây thiên niên kiện này vẫn phát triển bình thường từ đó tăng thêm thu nhập dưới diện tích đất của mình. Tôi sẽ cố gắng quyết tâm thực hiện tốt việc cấy dược liệu dưới tán rừng, làm sao đảm bảo kinh tế của gia đình được phát triển". anh Nghĩa cho hay.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình FFF giai đoạn II, gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa tại thôn Khang Chính (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) được hỗ trợ trên 1.000 củ giống cây thiên niên kiện-cây dược liệu quý trồng dưới tán rừng. Ảnh: PV
Tại xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) Hội Nông dân tỉnh Yên Bái – Ban quản lý Chương trình FFF II đã bàn giao hỗ trợ 5.300 cây ba kích giống cho các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tình và hộ ông Hoàng Văn Thành; trao hỗ trợ 700 con gà giống cho bà Nguyễn Thị Nguyệt và Phạm Thị Hồi. Đây đều là các thành viên của Hợp tác xã Thịnh Phát, xã Thịnh Hưng.
"Sau cơn bão số 3 gia đình tôi cũng bị thiệt hại, tham gia chương trình FFF II do nhà nước tài trợ chúng tôi rất phấn khởi.
Tham gia dự án vừa giúp gia đình khắc phục hậu quả mưa bão, vừa giúp phát triển kinh tế, đây cũng là động lực phát triển kinh tế chăn nuôi và phát triển rừng bền vững". Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Hơn (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) chia sẻ.
Ông Phạm Quang Vượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết. Hội nông dân xã thường xuyên xây dựng các kế hoạch.
Đặc biệt việc thực hiện các dự án Hội Nông dân xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, con giống, đảm bảo quy trình thực hiện theo đúng Chương trình đề ra.
Ngoài việc hỗ trợ cây, con giống theo 11 dự án nhỏ, Chương trình FFF giai đoạn II tại Yên Bái còn tổ chức các hội nghị đối thoại bàn tròn, các cuộc họp nhóm giữa các tổ nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã với chính quyền tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, về đất đai, vốn, chính sách, đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác và hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng đó, Chương trình tuyên truyền mở rộng các mô hình sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông lâm nghiệp hiệu quả và xây dựng các sản phẩm đặc sản dựa trên thế mạnh của địa phương.
Từ sự hỗ trợ của Chương trình FFF, mô hình trồng cây Khôi nhung-cây dược liệu quý dưới tán rừng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân Yên Bái. Ảnh: PV
Theo bà Nguyễn Thị Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, thông qua Chương trình FFF triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tại địa phương đã hình thành 2 chuỗi giá trị lớn là chuỗi sản xuất quế hữu cơ và chuỗi gỗ FSC.
Ngoài ra hội viên nông dân đã phát triển thêm các sản phẩm dưới tán rừng. Các hoạt động của Chương trình FFF góp phần nâng cao nhận thức và tư duy sản xuất cho người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo quy mô tổ hợp tác, tổ hợp tác xã và liên kết theo chuỗi giá trị.
Kết quả là vậy song thực hiện Chương trình FFF cũng còn những khó khăn, đặc biệt trong hỗ trợ các hộ, các tổ chức sản xuất rừng và trang trại.
Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại về tài nguyên rừng, phát huy liên kết trong sản xuất kinh doanh và với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Thông qua Chương trình FFF, hội viên nông dân đã phát triển thêm các sản phẩm dưới tán rừng, điển hình là trồng cây dược liệu quý như cây khôi nhung. Ảnh: PV
"Hội nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân các xã và hội viên nông dân duy trì và phát triển các mô hình đã được đầu tư và tăng cường các hoạt động quảng bá, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp của hội viên nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vật tư phục vụ sản xuất, khoa học kỹ thuật. Xây dựng các mô hình điểm về trồng rừng và phát triển kinh tế hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu". Bà Nguyễn Thị Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.