Cây "siêu thực phẩm" lả lướt dưới biển Việt Nam, lớn nhanh "vô địch", đó là cây gì mà tiềm năng lớn?
Cây "siêu thực phẩm" lả lướt dưới biển Việt Nam, lớn nhanh "vô địch", đó là cây gì mà có tiềm năng lớn?
Bình Minh
Thứ năm, ngày 02/01/2025 14:20 PM (GMT+7)
Việt Nam ghi nhận có 827 loài rong biển, trong đó rong lam 88 loài, rong đỏ 412 loài, rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài. Chuyên gia cho rằng, rong biển không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là thực vật có giá trị "siêu dinh dưỡng, siêu thực phẩm", được ví là thuốc quý từ đại dương.
Tiềm năng lớn nhưng sản xuất rong biển còn manh mún
Tại hội nghị "Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển" tổ chức tại Nam Định mới đây, PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iốt và sắt, chất béo thấp, cũng như các chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, C, E, và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể...
Do vậy rong biển rất tốt trong việc tái tạo mô, tạo độ đàn hồi của da, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hóa, làm săn da, chống lão hóa, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Thủy sản, năm 2024, diện tích trồng rong biển 16.500ha, sản lượng 155.000 tấn. Ở nước ta ghi nhận có 827 loài rong biển, trong đó rong lam 88 loài, rong đỏ 412 loài, rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài.
Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Thủy sản Việt Nam, cho hay, rong biển Việt Nam được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây. Theo định hướng từ năm 2025-2030, nâng sản lượng rong từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm.
Đối với khu vực gần bờ từ Thanh Hóa – Bình Thuận đối tượng trồng sẽ là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn.
Đối với khu vực xa bờ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ tập trung nuôi đối tượng rong sụn và giống nhập.
Chị Nguyễn Thị Bé Đông (ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) khai thác rong biển tại bãi rạn vùng biển địa phương. Ảnh: Đức Cường
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể đối với hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm làm cơ sở quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh các loại nhuyễn thể, rong tảo biển.
Dù Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển trồng rong biển, tuy nhiên theo ông Lập, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi nên giá rong nguyên liệu còn thấp và bấp bênh.
Rong biển từ các hộ dân hiện chủ yếu được bán thông qua thương lái (chiếm trên 90%), trong khi bán trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn được thu mua bởi Công ty Long Hải, JapiFoods, Trí Tín, Yến Sào Khánh Hòa...
Theo ông Lập, hiện chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc sản xuất rong biển, đặc biệt là sản phẩm chế xuất.
"Rong nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhập, rong trong nước còn ít do rong trồng tại Việt Nam sản lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, giá bán chưa được cao (một phần là do chất lượng chưa ổn định).
Người tiêu dùng Việt Nam còn chưa biết hết giá trị của rong, chưa nhiều người thích dùng rong biển hay chịu được mùi tanh của rong" - ông Lập nói.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, quy mô thị trường toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 5,56 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7,22%. Về kim ngạch xuất khẩu năm 2023, rong biển của Việt Nam mới chỉ đạt 5.563 USD, các thị trường chính, gồm Canada, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản.
"Nhìn chung còn rất khiêm tốn và không ổn định" - bà Hằng đánh giá.
Xây dựng chuỗi khép kín ngành rong biển
Theo ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, rong biển hiện nay chỉ là sản phẩm phụ của nuôi trồng thủy sản tại địa phương, với sản lượng hàng năm khoảng hơn 4.000 tấn rong tươi (chủ yếu là rong câu chỉ vàng được người nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các kênh mương, ao chứa nước, ao đầm nuôi tôm sú…).
"Hiện nay, nghề sản xuất nhuyễn thể và rong biển của Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, đặc biệt của các bộ, ngành Trung ương để tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu cải tạo chất lượng giống góp phần phát triển bền vững nghề nuôi nhuyễn thể và rong biển theo hướng không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với thị trường xuất khẩu" - ông Dũng đề xuất.
Anh Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) - doanh nghiệp chuyên phát triển các loại rong biển từ khâu sản xuất giống, tổ chức vùng nguyên liệu - cho biết, rong biển sẽ là nền tảng cho việc phát triển nuôi, trồng thủy sản bền vững do những ưu điểm nổi trội như nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người.
Đây là loại cây trồng bền vững, thân thiện với môi trường (phát triển nhanh, thu hoạch 2 vụ/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 5 lần so với bất kỳ loại cây nào được biết đến trên đất liền; chỉ sử dụng ánh sáng mặt trời và nước biển; không cần bón phân khi trồng ngoài biển; giảm ô nhiễm biển, tích lũy CO2 trong đại dương thành sinh khối).
Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc Công ty DPLB (đội mũ, thứ 3 từ trái sang), giới thiệu và phổ biến kiến thức, quy trình từ công đoạn sản xuất giống, nuôi ươm giống rong sụn với đoàn công tác Bình Định. Ảnh: Ái Trinh
Theo anh Phương, rong biển là loại cây đa ứng dụng, triển vọng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau (sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón, chất tăng cường sinh học trong nông nghiệp; các vật liệu tự hủy thay thế nhựa và các chế phẩm nhựa; năng lượng sinh khối).
Rong biển cũng dễ thích nghi và có khả năng được thuần dưỡng để phù hợp với các điều kiện môi trường.
Anh Phương cho biết, việc trồng rong trước đây kém hiệu quả là vì khi đó Việt Nam chưa có giống rong. Giống rong bà con trồng thường cắt mầm từ rong trồng từ vụ này để sang vụ khác, giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên thường ủ sẵn mầm bệnh, chất lượng không đảm bảo.
"Nay trong nước đã sản xuất được giống rong cấy mô, nguồn gốc giống đã qua lựa chọn nên việc trồng rong biển thuận lợi hơn rất nhiều.
Riêng cơ sở sản xuất giống rong biển của Công ty DBLP mỗi năm có thể sản xuất 1 - 3 triệu cây giống, đủ cung ứng cho nhu cầu trồng rong biển trong cả nước. Mỗi ngày chúng tôi cắt khoảng 20.000 mầm rong biển để nuôi cấy mô.
Những mầm này được đưa vào phòng thí nhiệm xử lý vài tháng mới đưa ra ngoài. 1 tấn rong giống đưa ra biển phải thu về 30 tấn rong thương phẩm mới đạt hiệu quả" - anh Phương nói.
Để thúc đẩy trồng rong biển tại Việt Nam, ông Đinh Xuân Lập cho rằng, phải xây dựng mô hình khép kín liên kết chuỗi từ "Cây giống - Vùng trồng - Sản xuất - Thương mại - Hệ thống tiêu thụ".
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong.
Ứng dụng công nghệ cao - công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm
Bên cạnh đó, ông Lập cho rằng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rong; Phát triển sản phẩm giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường; Liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng trồng của người dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ lợi ích và giá trị, từ đó người dân mới sẵn lòng trồng và phát triển rong.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay, hiện nay, nhu cầu của thị trường về rong biển đang rất lớn, tuy nhiên điều kiện sản xuất vẫn còn hạn chế. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ông cho rằng cần quy hoạch và tổ chức lại ngành hàng một cách bài bản, tránh tình trạng phát triển tự phát.
"Tại Vân Đồn, việc kết hợp nuôi rong biển với hàu đã cải thiện môi trường sống và mang lại sinh kế ổn định cho người dân. Vùng đệm trồng rong không chỉ bảo vệ bãi nghêu mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đề án nuôi biển hiện đã được triển khai, trong đó rong biển là đối tượng ưu tiên nhờ chi phí đầu tư thấp, an toàn và nhu cầu thị trường lớn" - ông Luân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.