Chương trình OCOP Hà Giang: Nâng tầm các đặc sản vùng miền

Thanh Thảo Thứ tư, ngày 20/11/2019 10:13 AM (GMT+7)
Nhằm khai thác thế mạnh về điều kiện khí hậu, tiềm năng du lịch và các sản phẩm chủ lực mang nét đặc trưng riêng, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án này sẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực để đưa các đặc sản vùng miền lên một tầm mới.
Bình luận 0

Tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng

Mặt dù mới triển khai, nhưng Chương trình OCOP ở Hà Giang đang có hiệu ứng tích cực. Đến nay đã có 27 chủ thể đăng ký tham gia với 37 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sang; 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao; 14 sản phẩm đạt hạng 2 sao; nhận thức của cán bộ, người dân được nâng lên; đã hình thành bộ máy triển khai chương trình từ tỉnh đến xã; xác định, lựa chọn được sản phẩm, nhóm sản phẩm thế mạnh để nâng cấp, phát triển.  

img

img

Các sản phẩm OCOP được giới thiệu tại điểm dừng chân trên các tuyến đường du lịch của Hà Giang.

Việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Đồng thời, tạo đà để người dân vùng nông thôn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà mình tạo ra... Vì vậy, để đề án đi vào thực tiễn và có sức lan tỏa, năm 2018 Hà Giang đã thống nhất lấy huyện Quản Bạ làm thí điểm triển khai thực hiện và làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.

Là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh được chọn để thực hiện chương trình, ông Hạng Dương Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ chia sẻ: Trong tổng thể kinh tế xã hội, phát triển các sản phẩm theo chương trình OCOP là một trong những mục tiêu lớn của địa phương, huyện xác định phải tận dụng lợi thế, tiềm năng thế mạnh của địa phương tạo ra việc làm, tạo ra sản phẩm giúp cho bà con có thu nhập tốt hơn từ những sản phẩm truyền thống.

 Nhằm từng bước đưa các sản phẩm tiếp cận với thị trường, đạt tiêu chuẩn Quảng Bạ đã tập trung triển khai thực hiện cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, địa chỉ, hạn sử dụng cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Thông tin về sản phẩm đều được thể hiện rất rõ, khách hàng có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất sứ để nhận diện sản phẩm.

Dựa trên thế mạnh đã có tiềm năng sẵn, Hà Giang dự kiến đưa các sản phẩm tiềm năng từ làng nghề như dệt lanh, rượu ngô và các sản phẩm từ dược liệu, mật ong bạc hà vào OCOP cấp quốc gia, Ngoài ra với cấp tỉnh sẽ phát triển các sản phẩm từ trồng trọt như rau, hồng không hạt. Mỗi lĩnh vực có rất nhiều sản phẩm vì vậy sẽ sàng lọc ra, những sản phẩm nào mà đạt tiêu chí thì sẽ tham gia vào cấp quốc gia, còn những sản phẩm chưa đạt thì sẽ tập trung hỗ trợ.

Phấn đấu 100% xã có sản phẩm OCOP

Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang cho biết:Hà Giang hiện đang có một số sản phẩm về dược liệu, chè đáp ứng được các tiêu chuẩn về sao cấp tỉnh. Giai đoạn tới chúng tôi sẽ kỳ vọng làm sao có những sản phẩm được gắn sao cấp trung ương và phấn đấu thêm 5 sản phẩm gắn sao cấp tỉnh để đảm bảo đúng tinh thần nghị quyết tỉnh đã đề ra.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Giang phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP. Để hiện thực mục tiêu trên tỉnh đã có định hướng phát triển từng bước. Theo đó, giai đoạn 2018 – 2020 sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Giai đoạn 2020 – 2030 sẽ mở rộng ra tất cả sản phẩm truyền thống có tiềm năng sản xuất hàng hóa và du nhập thêm các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, để quảng bá các sản phẩm OCOP, Hà Giang đã xây dựng các điểm bán hàng trên tuyến tour du lịch của địa phương, ngoài ra tỉnh cũng hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ thương mại để tìm kiếm  bạn hàng. Qua các chương trình này một số HTX đã tìm kiếm được đối tác để mở rộng đại lý tại miền xuôi như Hà Nội, HCM, Lào Cai và một số thành phố lớn.

img

Nhiều sản phẩm nông nghiệp Hà Giang đã được mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo ông Thành, từ khi triển khai chương trình OCOP thu nhập của người dân được nâng lên, hình thái tổ chức sản xuất đã có sự thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ đã hình thành các tổ chức kinh tế như HTX,  nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi, không tự cung tự cấp thuần túy mà đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa.

Qua thống kê sơ bộ, đến nay tại Quản Bạ có khoảng 300 người tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, trên 5.000 người tham gia gián tiếp và hưởng lợi, như vậy có thể khẳng định Chương trình OCOP đã góp phần rất tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, trong từng xóm bản. Đặc biệt những vùng có sản phẩm có thế mạnh thì đời sống của người dân thay đổi, đã được nâng lên rất nhiều, thu nhập bền vững hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem