Tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc.
Năm 2016 được đánh giá là vô cùng bận rộn với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khi nước này thúc đẩy hàng loạt các chương trình vũ khí lớn nhằm hiện đại hóa quân đội.
Chuyên gia quân sự Vasily Kashin từ Nga mới đây đưa ra đánh giá về chương trình vũ khí của Trung Quốc, trong đó đề cập tới dự án được xem là “táo bạo và phức tạp nhất”.
“Trong năm qua, những tiêm kích J-20 thế hệ 5 đã được chuyển giao cho không quân nước này. Đây là dự án táo bạo và phức tạp nhất về mặt công nghệ với Trung Quốc vì nước này chưa từng làm điều này trước đây”, Kashin nói.
J-11D là mẫu máy bay tốt nhất của Trung Quốc.
J-20 là tiêm kích tàng hình thế hệ mới nhất do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô phát triển riêng cho không quân Trung Quốc. Hiện chưa có đánh giá cụ thể khi nào J-20 sẽ tham chiến nhưng máy bay này đang được phát triển theo đúng kế hoạch.
“Các đơn vị không quân Trung Quốc làm quen máy bay thế hệ 5 nhanh hơn không quân Nga. Cần biết rằng trong vài năm tới, máy bay chiến đấu thế hệ 4++ sẽ là trụ cột chính trong lực lượng tấn công của không quân Trung Quốc”, ông Kashin nhấn mạnh.
Một loại máy bay khác là J-31 cũng được thực hiện theo kế hoạch trong năm 2016 nhưng đang có dấu hiệu chậm lại. Tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10 hay chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11D vẫn đang được Trung Quốc tập trung sản xuất. J-11D là mẫu máy bay tốt nhất mà Trung Quốc từng sản xuất dựa trên khung sườn chiếc Su-27.
Chuyên gia Kashin cho biết với máy bay vận tải, Trung Quốc sử dụng hai mẫu mới là Y-20 và Y-9. Trung Quốc chế tạo máy bay vận tải hạng nặng được xem là đột phá lớn, biến nước này thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ, Nga chế tạo thành công máy bay vận tải quân sự.
Máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20.
Trong năm qua, Trung Quốc cũng đóng hàng loạt khu trục hạm có tên lửa dẫn đường lớp Type 52D. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ trang bị thêm 14 chiếc cùng loại. Chưa kể việc Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ 2. Hình ảnh tàu sân bay nội địa mới đây đã bị hãng tin Kyoto của Nhật tiết lộ.
Tàu khu trục Type 52D.
Về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Trung Quốc đã có trong tay DF-41 với tầm bắn khoảng 12.000-14.000 km. Ngoài ra, các kĩ sư vũ khí còn phát triển, cải tiến tên lửa DF-31 và DF-5. Hình ảnh tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Project 09-IVA cũng xuất hiện gần đây trên mạng internet.
Tên lửa đạn đạo DF-41.
Dù thời gian qua lục quân Trung Quốc tiếp nhận nhiều hệ thống vũ khí, điều khiển, quan sát thế hệ mới nhưng ông Kashin đánh giá lực lượng này vẫn lạc hậu so với các quốc gia khác. Tuy nhiên chuyên gia Kashin nhận định năm 2017 lục quân Trung Quốc sẽ không có biến động lớn do nước này tập trung vào phát triển không quân và hải quân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.