Đằng sau vụ nữ phi công chiến đấu cơ J-10 của TQ tử nạn

Quang Minh - SCMP Thứ hai, ngày 14/11/2016 11:55 AM (GMT+7)
Gần đây, phi công máy bay chiến đấu của Trung Quốc thường xuyên gặp nạn, có thể là dấu hiệu cho thấy một lỗ hổng trong chính sách của không quân nước này.
Bình luận 0

img

Dư Húc tại triển lãm hàng không quốc tế cách đây 2 tuần.

Dư Húc là nữ phi công Trung Quốc đầu tiên lái máy bay chiến đấu J-10, thiệt mạng hôm 12.11. Cô được mọi người vinh danh là “con công vàng” sau tai nạn thảm khốc trong một buổi bay huấn luyện. Người bay cùng cô may mắn thoát chết khi bung dù kịp thời. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Hà Bắc.

Sau cái chết của Dư Húc, bạn bè cô bày tỏ sự tiếc thương và nhiều người kêu gọi các tiêu chuẩn bay huấn luyện cao hơn để tránh sự cố xảy ra. Dư Húc sinh ra ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong 35 cô gái được tuyển chọn làm phi công tập sự năm 2005.

Sau đó chỉ đúng 16 người đủ tiêu chuẩn đào tạo 4 năm và trở thành các nữ phi công đầu tiên lái máy bay chiến đấu. Dư Húc là một trong 3 phi công nữ có thể lái các chiến đấu cơ thế hệ thứ 3, trong đó có chiếc J-10 gặp nạn hôm thứ Bảy.

Tai nạn của Dư Húc xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi cô tham gia triển lãm hàng không tại thành phố Châu Hải. “Tôi hy vọng sẽ thể hiện cho khán giả một màn trình diễn xuất sắc”, Dư Húc trả lời trên kênh CNR phát thanh quốc gia cách đây ít hôm. “Về vấn đề an toàn, các buổi bay huấn luyện luôn đảm bảo điều này là ưu tiên số một”.

Năm 2010, Dư Húc từng xuất hiện cùng 15 nữ phi công trong chương trình gala Chào Xuân của đài CCTV. Trước đó vài tháng, cô xuất hiện trong lễ duyệt binh năm 2009 kỉ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc.

img

Cô là nữ phi công đầu tiên lái máy bay chiến đấu thế hệ 3.

Cô có biệt danh “con công vàng” nhờ màn trình diễn bay nghệ thuật hình con công năm 2005 tại trường không quân Trung Quốc. Dư Húc trả lời phỏng vấn và khẳng định không bao giờ hối hận khi làm phi công dù nguy hiểm cận kề.

“Nhiều lúc tôi ghen tị với những người cùng trang lứa, nhưng đó chỉ là cảm xúc thoáng qua. Tôi chọn lối đi khác, công việc khác và tôi có đam mê riêng cho mình. Tôi không hối hận khi làm phi công”, Dư Húc nói. Đài CNR cho biết cô từng mơ ước trở thành phi hành gia vũ trụ.

Chuyên gia quân sự Nghê Nhạc Hùng cho biết có nhiều sự cố từng xảy ra với chiếc J-10 trong quá khứ nhưng công chúng không được biết. Ông Nghê nói đây là “cái giá phải trả để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”.

Vài năm qua, tai nạn máy bay J-10 xảy ra khá thường xuyên. Gần đây nhất là ngày 28.9 khi một máy bay đâm xuống đất tại căn cứ không quân Thiên Tân do va phải một con chim. Năm ngoái có 3 vụ rơi máy bay J-10 ở Thẩm Dương, Hồ Châu và Thai Châu.

img

Quân đội Trung Quốc cho phép học viên tích lũy 1.000 giờ bay là có thể làm phi công.

Nhà quan sát Antony Wong Dong từ Macau nói rằng tiêu chuẩn vào các đội bay phải được nâng cao hơn nữa. Theo quy định hiện hành, mỗi học viên chỉ cần 1.000 giờ bay là có thể trở thành phi công trong khi các nước khác là 1.500 giờ.

Theo Wong, chính sự dễ dàng này khiến những tai nạn máy bay biểu diễn thường xuyên xảy ra. Đây là điều chưa từng có trong suốt thời gian dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem